Học sinh Hàn Quốc đá một tấm bảng gỗ có in cờ Nhật Bản trong một cuộc tuần hành ở Seoul.
Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản tưởng chừng sẽ xích lại gần nhau hơn do thông qua giao thương và cùng nhau giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Thế nhưng, những tàn dư của chiến tranh giữa hai nước chưa được giải quyết dứt điểm để rồi “tro tàn chiến cuộc” lại nhen lên như đổ thêm dầu vào lửa ở Đông Bắc Á.
Mâu thuẫn giữa hai nước được đẩy lên vì “vết thương chiến tranh lại rỉ máu”. Sau việc Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân phải lao động cưỡng bức trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 tới cuối Chiến tranh Thế giới thứ hai, mâu thuẫn đã được đẩy lên. Dù Nhật Bản luôn cho rằng vấn đề bồi thường đã được hai bên dàn xếp trong hiệp định ký kết năm 1965, cho phép Nhật Bản bồi thường bằng hình thức hỗ trợ tài chính trị giá 500 triệu USD, nhưng các luật sư Hàn Quốc vẫn tiếp tục thực hiện quyết định của tòa án, tịch thu và thanh lý tài sản của các công ty Nhật Bản.
Việc dùng luật pháp trong nước để tịch thu, thanh lý tài sản của công ty nước ngoài theo lịch sử thường dẫn đến việc cắt đứt quan hệ hoặc thậm chí chiến tranh giữa hai quốc gia nếu không được giải quyết ổn thỏa. Nhật Bản đã có sự kiềm chế. Tháng 1-2019, Nhật Bản yêu cầu giải quyết vấn đề bằng các kênh ngoại giao, nhưng phía Hàn Quốc không chấp thuận và khẳng định vấn đề này phải do cơ quan tư pháp giải quyết. Sự việc lại được đẩy lên cao khi ngày 4-7 Nhật Bản đã siết chặt quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF). Theo một kết quả khảo sát, Hàn Quốc nhập khẩu từ Nhật Bản 94% nhu cầu về các vật liệu trên. Hàn Quốc cáo buộc đây là động thái của Nhật Bản nhằm gây sức ép giải quyết mâu thuẫn song phương về vấn đề lao động thời chiến. Tuy nhiên, Tokyo luôn khẳng định biện pháp này được đưa ra vì lý do an ninh.
Vậy là khi Hàn Quốc dùng nội luật để ép Nhật Bản trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh thì Nhật Bản dựng rào cản thương mại đánh vào điểm yếu của Hàn Quốc để rồi người dân Hàn Quốc quay lưng không dùng hàng Nhật Bản. Quan hệ thương mại giữa hai bên trở nên căng thẳng và rất có thể sẽ lan sang các lĩnh vực khác nếu hai nước không có những bước đi để giải quyết dứt điểm.
Tuy nhiên, việc giải quyết bất đồng không dễ chút nào. Tòa án Tối cao Hàn Quốc khó thay đổi phán quyết của mình và Tổng thống Hàn Quốc cũng khó tác động tới phán quyết trên. Trong khi đó, Đảng của Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe vừa thắng lớn trong cuộc bầu cử Thượng viện ngày 21-7, hứa hẹn những chính sách kinh tế, đối ngoại sẽ không thay đổi.
Vào lúc này, ngoại giao là chìa khóa duy nhất giúp giảm căng thẳng. Trước đó, Nhật Bản đã yêu cầu giải quyết qua kênh ngoại giao nhưng không nhận được sự ủng hộ của Hàn Quốc. Nay, sau khi Nhật Bản “ra đòn”, phía Hàn Quốc đã có động thái đề nghị Mỹ giúp, theo tiết lộ của Tổng thống Mỹ - Donald Trump ngày 19-7. Nhưng đó mới là phía Hàn Quốc và Mỹ. Tuy từng đưa ra đề nghị giải quyết qua kênh ngoại giao nhưng sau khi tung đòn hiểm thì Nhật Bản lại tỏ ra cứng rắn hơn như muốn phía Hàn Quốc lên tiếng trước.
Chiến tranh đã lùi xa ở Đông Bắc Á nhưng những mâu thuẫn đan xen giữa các quốc gia hay những hậu quả của cuộc chiến vẫn đeo bám các quốc gia trong khu vực này, dù là quốc gia phát triển hay đang phát triển. Chắc chắn, chẳng quốc gia nào trong khu vực muốn đẩy căng thẳng lên cao dẫn đến chiến tranh toàn diện nhưng nếu những mâu thuẫn về hậu quả chiến tranh, mâu thuẫn kinh tế không được giải quyết triệt để thì nó vẫn là nguyên nhân gây mất ổn định trong khu vực.
Ngọc Hưng