Trần Danh Hà (người phố Chi, Quê Võ) là một thanh niên rất năng động. Hà buôn bán mở dịch vụ nhiều thứ, việc làm ăn phát đạt... Hiện giờ Hà là nhà phân phối thức ăn chăn nuôi lớn nhất phố. Hà còn có một khuôn viên rộng rãi, mở quán cà-phê, quán karaoke, luôn đông vui nhộn nhịp... Bận rộn như thế mà Hà vẫn dành thời gian đọc sách, trong nhà có tủ sách, hàng trăm cuốn truyện đông tây kim cổ. Tôi hỏi Hả, mải mê thị trường thế, đọc sách lúc nào? Hà nói: Ôn cố tri tân, khả dĩ vi sư hỹ. Thế là thế nào, tôi lại hỏi? Hà cười: Bác... còn thử con mọt sách. Ôn cũ để biết mới cũng đáng làm thầy rồi. Tôi khen, giỏi, đúng là người đọc sách. Nói rồi Hà khoe với tôi, cháu vừa mua được cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, bác xem chưa? Tôi nói chưa xem, song cũng nghe đài báo nói cuốn nhật ký ấy giá trị lắm. Vào Nam, cô ấy ở Bệnh xá Đức Phổ (Quảng Ngãi) cùng với chú Cầu ở xóm ta đấy! Bấy giờ bác ở cơ quan nhà số 2 (biệt danh của đơn vị chỉ có người trong cuộc mới biết) gần đấy, hai đơn vị thường giao lưu đi lại tập văn nghệ cùng nhau. Bấy giờ có anh Bích ở Đoàn văn công Liên khu 5 về dạy cho Đội xung kích của nhà số 2, bác cũng được cô Trâm khám bệnh và cũng có những kỷ niệm. Hà nói, có đoạn cháu đọc thấy cô ấy nhắc tới tên bác và chú Cầu (Cầu là y tá cùng Bệnh xá với Đặng Thùy Trầm).

Tôi nâng niu cuốn sách nhật ký, chăm chú đọc từng trang, càng cảm phục người nữ chiến sĩ, bác sĩ. Ngoài công việc chuyên môn, điều trị vết thương ở bệnh xá, Đặng Thùy Trâm còn trực tiếp tới các đơn vị chữa bệnh, khám bệnh nhiệt tình cho các chiến sĩ.

Bác sĩ Trâm còn làm thơ, viết nhật ký ghi lại những sự kiện xảy ra trong bệnh xá, trên chiến trường. Những trận thắng lớn của quân ta, những trận càn quét lớn của địch, những tấm gương anh dũng của chiến sĩ ta và cả những tâm sự riêng tư của mình đối với bạn bè, người thân đều được ngòi bút của chị nhắc đến.

Ai đã một lần gặp Đặng Thùy Trâm đều yêu thương và cảm phục chị. Bác sĩ Đặng Thùy Trâm ngoài đời rất xinh (xinh hơn ảnh), lại thùy mị cho nên mới gọi là Thùy Trâm. Chị nhiệt tình với nghề nghiệp, yêu đời, yêu người, lại giỏi giang trong nữ công gia chánh. Lúc rỗi chị thường vá quần áo cho thương binh nằm viện. Chị là thiếu nữ “công dung ngôn hạnh”, mười phân vẹn mười. Bởi thế cho nên rất nhiều đồng chí ở các đơn vị đã tỏ tình với Trâm, song Trâm đều từ chối vì Trâm đã có M. rồi. Hai người yêu nhau từ những năm ở Trường đại học Y Hà Nội. Họ hứa hẹn với nhau, ra trường sẽ viết đơn xin vào Nam chiến đấu. Họ đã vào hoạt động ở vùng B1 (mật danh), mỗi người một đơn vị khác nhau, vẫn thường xuyên liên lạc động viên nhau trong gian khổ khốc liệt. Vì sự khốc liệt của chiến  tranh, không vì tình yêu trai gái ảnh hưởng đến nhiệm vụ, M. đã “thờ ơ, lạnh nhạt”... làm Trâm buồn bã. Thấy vậy chúng tôi càng thương, quý Trâm hơn, luôn động viên, an ủi để Trâm vượt qua.

Xin trích một đoạn nhật ký của Thùy Trâm ghi lại nỗi niềm ấy.

14-4-1968.

Một bài thơ làm tặng cho mình, bài thơ của một thương binh đang nằm viện, xuất phát từ lòng mến thương cảm phục đối với một người bác sĩ đã chăm sóc anh và các bệnh nhân khác một cách tận tình. Anh ta tìm hiểu kỹ về mình và viết bài thơ tặng. Bài thơ tràn ngập niềm yêu mến chân thành và nỗi xót đau trước mối tình tan vỡ của mình. Anh ta nói lên những xót xa cay đắng của một cô gái bị người yêu phụ bạc.

Đọc bài thơ... mình buồn vô hạn, không thể kìm được, mình ghi ngay duới bài thơ đó dòng chữ: “Cảm ơn tình thương mến của anh, nhưng hình như anh chưa hiểu Trâm. Hứa với anh rằng sẽ có lúc nào đó để anh hiểu về một người con gái của XHCN” và mình đưa trả lại bài thơ.

Ôi! Đây mới là điều đáng buồn nhất trong quan hệ với M. Mọi người đều trách M. đều thương mình, nhưng mình xót xa biết bao nhiêu khi thấy người ta thương mình bằng một tình thương có cả sự thương hại nữa! Dù anh Thiết, dù Hào, Nghinh, Cầu... ai ai đi nữa đã cảm thương san sẻ với mình, mình vẫn không muốn. Một mình đã đủ giải quyết rồi, một mình cũng đủ chôn sâu cả 9 năm thương yêu hy vọng ấy xuống tận đáy đất sâu rồi - mảnh đất tâm hồn mình vẫn màu mỡ, vẫn đủ sức để gieo lên đó một mùa hoa tươi đẹp kia mà. Hỡi tất cả mọi người, không cần tưới lên mảnh đất ấy những giọt lệ xót thương đâu. Hoa thơm phải được tưới bằng những giọt nước mát trong lành.

Tôi đứng đây giữa nủi rừng lộng gió

Mưa đan dày trùm cả rừng cây

Nghe gió mùa đông bắc thổi về đây

Lòng bỗng thấy nhớ thương da diết

Ơi những người thương yêu ở nơi xa có biết

Tôi nghĩ gì trong giá lạnh chiều nay

Chiều nay...

(Nhật ký Đặng Thùy Trâm,

Nhà xuất bản Hội Nhà văn, trang 36).

Tôi đem cuốn nhật ký vào khoe với Cầu: Cầu này, những ngày anh em mình sống ở Quảng Ngãi, tưởng đã đi vào dĩ vãng, không ngờ một người bạn chiến đấu năm xưa đã gợi cho anh em mình hồi tưởng lại hồi trai trẻ; đời người lính gian lao anh dũng, cầu có còn nhớ Đặng Thùy Trâm không?

Cầu nói, có chứ! Nói đến Thùy Trâm thì tôi cảm phục lắm, mặc dù chiến tranh khốc liệt như vậy mà cô ấy vẫn làm thơ, ghi nhật ký.

Tôi lại hỏi, Cầu có nhớ Hào không?

Cầu nói, thằng Hào dân Phú Thọ, thiện xạ lắm. Hào phụ trách hậu cần của bệnh xá, những lúc rảnh Hào vác súng đi săn, nào là lợn rừng, hoẵng, hươu, nai, chồn, mang về cải thiện bữa ăn cho bệnh nhân.

Còn thằng Nghinh là y tá giỏi. Nghinh vui tính lắm, hay nói chuyện tiếu lâm, nhiều lúc phật ý, hắn còn chửi người khác bằng nốt nhạc: Đồ mi là đồ mi phá - đúng là dân Nghệ An chính cống.

Bên ấm trà, Cầu và tôi “ôn cố tri tân”. Bao nhiêu là chuyện chiến trường, nào là lúc đói phải nhờ đến rau tàu bay, nào là bọn máy bay Mỹ HU1A, VO10, rọ heo, C47, B52 quấy nhiễu, ám ảnh đến 20 năm sau vẫn chưa hết mùi chiến tranh. Cái tiếng quái gở của thằng HU1A nghe rền rĩ lạ thường...

Cảm ơn người bác sĩ, chiến sĩ, liệt sĩ Anh hùng Đặng Thùy Trâm đã ghi lại những khoảnh khắc, thiêng liêng của chiến trường ngày ấy. Đó là một nguồn lực dịu dàng cho những người lính đi giải phóng miền Nam như chúng tôi đồng vọng về quá khứ. Chị đã trao cho thời trận mạc tình cảm cao đẹp, nỗi nhớ da diết ngọt ngào, man mác thẳm sâu, nhớ khôn cùng mảnh đất chiến trường xưa: Quảng Ngãi kiên cường, yêu dấu!

Trần Thiết