Chuyến hàng 450.000 bộ đồ bảo hộ y tế DuPont, sản xuất tại Việt Nam để ứng phó với Covid-19, hạ cánh tại Dallas, Texas (Mỹ).

Phát triển kinh tế là bài toán chung của bất kỳ quốc gia nào. Hơn 3 tháng qua, đại dịch Covid-19 đã tấn công tới hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 1,7 triệu người bị nhiễm bệnh và hơn 100.000 người tử vong. Đó là những con số rợn người, nhưng sự nguy hiểm còn nằm ở chỗ Covid-19 đã chặn đứng đà tăng trưởng kinh tế của tất cả các nước, đặc biệt rất nhiều nước đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế âm trong quý I-2020.

Trong khi phải chờ ít nhất 12 đến 18 tháng mới có thể có vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 gây ra Covid-19, cùng với các biện pháp giãn cách và nỗ lực điều chỉnh các phác đồ điều trị cho các ca dương tính với SARS-CoV-2, nhiều quốc gia đã tìm cách “gõ cửa” nền kinh tế đang bị đóng lại hoặc chuẩn bị sẵn sàng để mở cửa trở lại nền kinh tế khi bệnh dịch nằm trong tầm kiểm soát.

Mỹ - quốc gia đang đứng đầu danh sách về số người nhiễm và tử vong vì Covid-19 đã khởi động tiến trình này. Ngày 10-4, Tổng thống Mỹ - Donald Trump cho biết sẽ sớm công bố các thành viên trong một hội đồng có nhiệm vụ tập trung vào quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế của nước này sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Sự chuẩn bị này là cần thiết bởi không chỉ riêng Mỹ mà tất cả các nền kinh tế đều phải tái khởi động theo một cách hoàn toàn khác, cũng chỉ vì Covid-19. Thế nhưng, khi nào nền kinh tế Mỹ sẽ mở cửa trở lại là câu hỏi khó nhất của ông Trump lúc này. “Chúng tôi sẽ cân nhắc thời điểm rõ ràng nhưng sẽ không làm gì cho tới khi chúng tôi biết nước Mỹ đã mạnh khỏe. Chúng tôi không muốn dịch bệnh bùng phát trở lại và một lần nữa phải áp dụng các biện pháp như thời gian qua” - ông Trump nhấn mạnh. Ông Trump vẫn loay hoay với bài toán mở cửa lại nền kinh tế dù một cuộc khảo sát mới đây cho thấy ông vẫn được tín nhiệm cao cho dù những thành tích về tạo việc làm cho người Mỹ vốn rất ấn tượng của ông đã bị lu mở bởi Covid-19 lại khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm.

Kinh tế không phát triển là nỗi lo của bất kỳ quốc gia nào. Trong ngắn hạn, các nền kinh tế mạnh, yếu khác nhau sẽ có các biện pháp hỗ trợ chính sách hay bơm tiền để bảo đảm an sinh xã hội khi các nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, người lao động mất việc làm và tăng cường năng lực y tế để ứng phó dịch. Thế nhưng, đóng cửa kinh tế - xã hội từ 12 đến 18 tháng để chờ vaccine là một thời gian đủ dài để có thể quật ngã nhiều nền kinh tế. Một cách dễ hiểu hơn, trong điều kiện bình thường, nhiều nền kinh tế đã điêu đứng và phải phụ thuộc vào các khoản vay hay viện trợ nước ngoài. Nay do Covid-19, các khoản vay hay viện trợ đó chắc chắn sẽ co lại, bản thân nền kinh tế đó còn chưa đủ sức lo cho chính mình chứ chưa nói đến việc trả nợ. Việc các nhà kinh tế dự báo một tương lai ảm đạm cho nhiều nền kinh tế ở châu Phi trong và sau Covid-19 là một ví dụ.

Trong khi Mỹ mới tiến tới mức lập kế hoạch để mở cửa trở lại nền kinh tế của mình thì Nhật Bản lại có những bước đi táo bạo hơn. Trong gói kích thích kinh tế siêu khủng của mình, Nhật Bản dành tới 2,2  tỷ USD để hỗ trợ các công ty Nhật Bản chuyển nhà máy ở Trung Quốc về nước. Nhật Bản phải làm vậy vì nếu không các nhà máy trong nước sẽ không có đủ nguyên liệu hay phụ kiện để hoạt động khi các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa vì Covid-19.

Lãnh đạo một quốc gia phải lo nhiều việc nhưng việc chính của họ vẫn là làm cho “quốc thái, dân an”. Dân an thời nay là xã hội bình yên, người dân khỏe mạnh, không bị chết vì Covid-19. Quốc thái thì vẫn là đất nước phát triển thịnh vượng. Để quốc thái thì cánh cửa kinh tế phải mở trở lại. Cánh cửa này mở khi nào, như thế nào sẽ rất khác ở từng quốc gia. Tuy vậy, cũng không thể mở cửa kinh tế quá muộn vì nhiều nền kinh tế sẽ không đủ sức để chờ đợi điều này.

Ngọc Hưng