Cuối cùng sau bao lần trì hoãn, công cuộc “thoát Âu” hay còn gọi là Brexit của nước Anh đã diễn ra với sự chật vật của nội các ông B. Johnson đi kèm với đó là sự mâu thuẫn, chia rẽ ngay trong chính nội bộ nước Anh. Có lẽ đây là cuộc ”li hôn” gây tổn thất lớn nhất trong lịch sử nước Anh nói riêng và cả khối EU nói chung. Hậu quả của cuộc li hôn này đã để lại trên nhiều lĩnh vực từ giao thông, kinh tế, thương mại tới cả chính trị, mà giờ đây lãnh đạo cả khối EU và nước Anh sẽ phải đương đầu.

Trước đây, nước Anh có mối quan hệ mật thiết với phần còn lại của EU về thương mại, đầu tư, di cư và dịch vụ tài chính. Rời EU có nghĩa Anh có thể mất đi mối quan hệ đó. Thủ tướng Cameron đã từng cảnh báo đây có thể là “một bước nhảy vào hố đen.” Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính George Osborne dự đoán việc này sẽ mang đến một cú shock đầy chấn động.

Chỉ vài ngày sau cuộc bỏ phiếu Brexit, thị trường toàn cầu rung chuyển. Đồng bảng Anh giảm mạnh, đạt mức thấp chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ. Đáp lại, Ngân hàng Trung ương Anh đã công bố một gói các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm việc cắt giảm lãi suất đầu tiên trong hơn bảy năm hoạt động.

Viễn cảnh dài hạn của Brexit vẫn còn rất mờ mịt. Ông Adam Posen - Chủ tịch Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng các lập luận kinh tế của phe ủng hộ Brexit là đầy vọng tưởng. Ông nói rằng, nếu như Anh tách khỏi Liên minh châu Âu; thì khi đó cuộc chiến thương mại giữa Anh và EU sẽ nổ ra, và thân phận nước Anh khi đó sẽ như “châu chấu đá voi”. Bởi liên minh EU lớn hơn có thể đàm phán các thỏa thuận tiếp cận thị trường thuận lợi hơn với các nước bên ngoài và sẽ gạt nước Anh ra khỏi các thỏa thuận đó.

Các chuyên gia từ Mỹ cho rằng Brexit sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ Anh - Mỹ. Trong chuyến thăm cấp nhà nước vào tháng 4-2016, Tổng thống Barack Obama đã lập luận rằng tư cách thành viên EU giúp Anh tăng ảnh hưởng toàn cầu hỗ trợ lợi ích của Hoa Kỳ. Tuy vậy, Tổng thống đương nhiệm Donald J. Trump lại tán thành cuộc bỏ phiếu Brexit và hứa hẹn một khởi đầu nhanh chóng cho các cuộc đàm phán thương mại mới giữa Anh và Mỹ.

Phần lớn sự “tai hại” của những tình huống trên sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ hậu Brexit của Vương quốc Anh với Liên minh châu Âu. Anh sẽ mất đi ưu tiên tiếp cận thị trường chung không rào cản, được miễn thuế với hơn 500 triệu người tiêu dùng và GDP trị giá hơn 18 nghìn tỉ USD. Việc này gây áp lực lớn đến các nhà hoạch định chính sách của Anh trong việc ký kết thỏa thuận thương mại với EU.

Nếu không có thỏa thuận nào, hàng xuất khẩu của Anh sẽ phải chịu thuế quan bên ngoài của liên minh này từ năm 2019. Thương mại Anh sẽ bị ảnh hưởng và một số nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ rút khỏi các ngành công nghiệp lớn, như ngành ô tô đang phát triển mạnh.

Vương quốc Anh cũng sẽ bị loại khỏi tất cả các thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Mỹ (còn gọi là TTIP), cũng như cần đàm phán lại tiếp cận thương mại với 53 quốc gia mà EU hiện đã ký kết hiệp định.

Hugo Dixon - một người ủng hộ việc Anh ở lại EU nói rằng dịch vụ tài chính sẽ là một khó khăn lớn nếu Anh rời khỏi khối này. Trước đây, các tổ chức tài chính có trụ sở tại Vương quốc Anh có thể hoạt động tự do ở bất cứ đâu trong EU. Nếu mất đi quyền lợi này, nhiều công ty có khả năng chuyển văn phòng đến các nơi khác ở châu Âu, cũng như làm mất đi cơ hội việc làm của nhiều công dân Anh.

Không những nước Anh phải gánh chịu hậu quả trên khía cạnh kinh tế, thương mại; mà họ còn phải chịu đựng những thiệt hại ngay trong chính nội tại quốc gia của mình. Hậu quả nội tại rõ ràng nhất của Brexit là sự tan vỡ của chính nước Anh. Scotland đã bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại EU sau khi tổ chức không thành công một cuộc trưng cầu dân ý độc lập năm 2014.

Vào tháng 3-2017, bà Nicola Sturgeon - Thủ hiến đầu tiên của Scotland đã đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý mới. Bà cho rằng công dân Scotland xứng đáng được đưa ra lựa chọn về việc có nên ở lại EU hay bằng cách rời khỏi Anh. Tuy nhiên, Thủ tướng Theresa May đã bác bỏ yêu cầu này và nói rằng cuộc trưng cầu dân ý phải có sự chấp thuận của London.

Giờ đây khi Brexit đã diễn ra, chắc chắn phong trào đòi độc lập, li khai khỏi Anh sẽ lại càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết ở Scotland.

Ireland cũng sẽ đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi một mặt tận tâm với EU nhưng mặt khác có nền kinh tế phụ thuộc mật thiết vào Anh. Chính phủ Ireland đã cảnh báo về nguy cơ Brexit làm ảnh hưởng đến nỗ lực duy trì hòa bình tại Bắc Ireland và phức tạp hóa vấn đề biên giới Bắc - Nam Ireland.

Một số nhà phân tích nói rằng liên minh giữa Đảng Bảo thủ và Đảng Liên minh Dân chủ (DUP) phía Bắc Ireland có thể đẩy vấn đề biên giới đất liền nước này lên hàng đầu trong các cuộc đàm phán hòa bình với Anh.

Nước Anh sẽ ở tình cảnh “chia năm sẻ bảy” khi Scoltland và Bắc Ireland cùng “chung tay” để li khai và tách ra khỏi Anh gia nhập vào EU. Đây là điều mà các nhà cầm quyền ở EU cũng ủng hộ.

Brexit với sự ra đi của chính nước Anh như một hình mẫu đi trước sẽ thúc đẩy chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tại các nước khác trong khu vực - học giả Sebastian Mallaby phân tích. Các thành viên non trẻ của khu vực đồng euro như Ý, Bồ Đào Nha và Hy Lạp có nguy cơ khủng hoảng nặng nề.

Nhân tình hình này, các đảng chính trị chống EU như Mặt trận Quốc gia Pháp, đảng AfD của Đức hay Jobbik của Hungary sẽ có thêm sự ủng hộ từ người dân.

Qua nhiều cuộc thăm dò ý kiến, đa số công dân Pháp muốn trưng cầu dân ý tư cách thành viên EU của nước này, dù Tổng thống đương nhiệm Pháp Emmanuel Macron là một nhà chính trị thân EU.

Việc EU tan rã sau Brexit là nỗi sợ ám ảnh khắp châu Âu. Brexit sẽ là một đòn giáng mạnh vào liên minh các quốc gia đã chật vật đấu tranh nhằm duy trì các biện pháp trừng phạt với Nga và quản lý làn sóng nhập cư khổng lồ. Sau vụ khủng bố năm 2015 tại Paris, khi Pháp lần đầu tiên kêu gọi thành lập lực lượng phòng thủ chung EU, Brexit có thể là dấu chấm hết cho hy vọng về một châu Âu thực sự an ninh với những chính sách chung.

Có thể nói một thời kì đầy hỗn loạn và bất an trên nhiều phương diện đang chờ đón nước Anh và cả EU trong tương lai gần.

Phạm Nguyễn