Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Đình làng An Vĩnh, Lý Sơn, Quảng Ngãi

Những ngày tháng 7 hằng năm, cả nước có nhiều hoạt động tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh xương máu để đất nước ta có nền độc lập hôm nay. Đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc Việt Nam có tự ngàn xưa, xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một trong những đạo lý tốt đẹp ấy nhằm tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân và góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cách đây 3-4 thế kỷ trước, các chúa Nguyễn đã ý thức đến nguồn tài nguyên vô tận, cũng như sớm xác lập chủ quyền lãnh thổ trên vùng Biển Đông của Tổ quốc, mà trước hết đó là tại quần đảo Hoàng Sa. Hằng năm, các chúa Nguyễn tuyển 70 dân đinh, giỏi nghề đi biển ở các làng An Vĩnh và An Hải tại vùng cửa biển Sa Kỳ và sau đó là dân đinh ở phường An Vĩnh và phường An Hải trên đất đảo Lý Sơn, giương buồm nương theo gió nồm vượt sóng ra quần đảo Hoàng Sa.

70 đinh suất được phân đều cho các tộc họ, không phân biệt tiền hiền hay hậu hiền, theo nguyên tắc luân phiên nhau và người đăng lính Hoàng Sa thường là con thứ (vì người con trưởng phải ở nhà lo tế tự).

Đội Hoàng Sa, và sau này được củng cố thành Thủy quân Hoàng Sa (kiêm quản Trường Sa và Bắc Hải, mộ thêm các ngư dân ở Quảng Bình, Bình Thuận, thuộc các làng Tứ Chính, Bình Cố, Cảnh Dương) hoạt động liên tục suốt 3-4 thế kỷ, thì phải có hàng vạn người không phải chỉ tìm kiếm hải vật, sản vật, đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đảo, mà còn cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cho đến nay, người dân đất đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai (ba) khao lề thế lính Hoàng Sa.

Biết là một đi không trở về nhưng những người con của đất đảo Lý Sơn vẫn dong thuyền ra biển, mang theo sứ mệnh vua ban để cắm mốc, dựng bia vĩnh hằng về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Như những gì còn ghi trong sử sách và lưu truyền trên đất đảo Lý Sơn, thì người lính Hoàng Sa phải lênh đênh cùng sóng gió trong 6 tháng ròng nhưng chỉ với những chiếc thuyền câu thì số phận xem như đành gửi theo trời mây và bọt biển. Để có cơ may xác mình còn được yên lành trôi về bản quán, trước khi ra đi, mỗi người đi lính Hoàng Sa phải tự chuẩn bị cho riêng mình một đôi chiếu, 7 đòn tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài. Nếu không may ngã xuống, thì đôi chiếu, những chiếc đòn tre và các dây mây kia là vật dụng để bó xác người. Người chết sẽ được thả trôi trên biển cùng chiếc thẻ bài đã được ghi tên phiên hiệu.

Để khao quân, tế sống, làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ và để tế lễ và tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất, vào tháng 2 âm lịch hằng năm, người dân đảo Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề Thế lính Hoàng Sa thu hút sự tham gia của các tộc họ có người đi lính trên đất đảo.  

Cùng với các di tích lịch sử - văn hóa, các tài liệu Hán Nôm, những trang lịch sử ghi chép của các triều đại, thì Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là một bằng chứng sống động về lịch sử bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

Các bằng chứng lịch sử mà Việt Nam đã thu thập được rất phong phú, mặc dù  do hoàn cảnh chiến tranh liên tục nên nhiều thư tịch cổ của Việt Nam đã bị mất mát, thất lạc. Tuy nhiên, những tư liệu còn lại đến nay và chính sử vẫn đủ để khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một là, các bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII đã gọi hai quần đảo bằng cái tên Bãi Cát Vàng và ghi vào địa hạt huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi. Hai là, nhiều tài liệu cổ của Việt Nam như Toàn tập Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư (thế kỷ XVII), Phủ Biên Tạp Lục (1776), Đại Nam Thực Lục Tiền Biên và Chính Biên (1844-1848), Đại Nam Nhất Thống Chí (1865-1875), các Châu bản nhà Nguyễn (1802-1945)... đều nói về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như là Bãi Cát Vàng vạn dặm trên Biển Đông và việc Nhà nước cử đội Hoàng Sa ra khai thác các quần đảo này. Ba là, nhiều sách cổ, bản đồ cổ của nước ngoài cũng thể hiện các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Châu bản triều Nguyễn về việc xây đền thờ ở Hoàng Sa .Văn bản soạn ngày 13 tháng 7 âm lịch năm Ất Mùi, Minh Mạng 16, tức ngày 5 tháng 9 năm 1835

Đỉnh cao nhất của việc tuyên bố và xác lập chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là vào năm 1816 khi vua Gia Long sai quân lính ra quần đảo Hoàng Sa cắm cờ Việt Nam và tuyên bố chủ quyền. Cũng cần nói thêm là trong một thời gian khá dài, người Việt Nam luôn coi quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là một dải đảo dài hàng vạn dặm trên Biển Đông, nên gọi là Vạn Lý Trường Sa, hay Đại Trường Sa, Bãi Cát Vàng... Trên thực tế, các chúa Nguyễn cũng như nhà Nguyễn sau này đều có nhiều hành động liên tục cử người ra cai quản, khai thác các đảo trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước phong kiến Việt Nam đã tổ chức các đội Hoàng Sa, Bắc Hải để thực thi quyền chủ quyền và khai thác hai quần đảo. Các thể lệ tuyển chọn người, chế độ khen thưởng, đãi ngộ đối với các đội đều được Nhà nước quy định rõ ràng. Các đội này được duy trì và hoạt động liên tục từ thời chúa Nguyễn (1558-1783) đến nhà Tây Sơn (1786-1802) và nhà Nguyễn. Triều đình nhà Nguyễn đã cử các tướng, binh lính ra Hoàng Sa khảo sát, đo đạc các đảo, khảo sát, vẽ bản đồ, xây miếu, dựng bia.

Hiện nay, vào ngày 16-3 âm lịch hằng năm tại Đình làng An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, các tộc họ trên đảo Lý Sơn vẫ tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân những người đã đi cắm mốc lãnh thổ và bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Lễ được tổ chức một cách trang nghiêm, thành kính, với nhiều nghi thức cúng tế như lễ tế chính, lễ cáo yết nghinh thần, lễ thả thuyền.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ là một di sản văn hóa phi vật thể hết sức quý giá, góp phần khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đây là nghi lễ đã thấm sâu trong tiềm thức người dân, giàu tính nhân văn, từ lâu đã trở thành một biểu tượng minh chứng cho lòng yêu nước, ý thức về chủ quyền lãnh thổ của cha ông thời xa xưa. Nghi lễ cũng giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển, đảo Việt Nam mà bao thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương gìn giữ.

Minh Thanh