Người già nên khám sức khỏe định kỳ để biết sức khỏe của mình giúp cuộc sống tốt hơn.

Tuổi càng cao, người già càng cần nhận được sự quan tâm, chăm sóc cả thể chất lẫn tinh thần của con cháu. Vì vậy, người thân cần hiểu về tâm lý của người già để có cách chăm sóc hiệu quả nhất.

Thay đổi về thể chất, tâm lý

Có thể thấy rõ rằng do quá trình lão hóa mà cơ thể suy yếu, trí nhớ giảm, hay quên, thiếu sự chú ý, ăn ít, dễ mắc hội chứng Alzaheimer... Cùng với những biểu hiện thể chất, người già thường có tâm lý cô đơn, hoài cổ, hay lo lắng bi quan, nhất là tâm lý lo sợ vì chậm chạp và cảm giác bị lệ thuộc người khác nên sợ bị bỏ rơi. Từ những yếu tố tâm lý đó, họ thường tự ti, nóng nảy, khó kiềm chế cảm xúc, dễ tủi thân, hờn dỗi… cảm thấy xa cách với cuộc sống. Người chăm sóc cần hiểu tâm lý, bệnh tật của người già để có cách chăm sóc tốt nhất.

Lưu ý khi chăm sóc sức khỏe người già

Khi chăm sóc cho cha mẹ, ông bà, chúng ta cần chú ý:

- Khám sức khoẻ định kỳ: Bước vào tuổi già, sức khoẻ suy yếu, dễ mắc bệnh mạn tính, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người già. Bệnh người già thường diễn biến âm thầm, mạn tính và khi phát hiện thì đã ở thể nặng. Thông qua việc thăm khám định kỳ 6 tháng/lần, với sự tư vấn của các chuyên gia y tế, người già sẽ kịp thời phát hiện bệnh của mình trong giai đoạn sớm, từ đó kiểm soát và có kế hoạch điều trị thích hợp. Duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ sẽ giảm được thời gian chăm sóc, chữa trị cũng như chi phí điều trị bệnh.

- Chế độ ăn uống: Hệ tiêu hoá của người già thường gặp nhiều vấn đề, gây khó khăn cho việc hấp thụ chất dinh dưỡng. Vì vây, người chăm sóc nên: Chia nhỏ các bữa ăn, không ăn quá no, ăn chậm, nhai kỹ thức ăn; giảm chất đường bột; nên ăn nhiều đồ hấp luộc thay vì món rán nướng; hạn chế ăn thịt mỡ, nội tạng động vật, các loại đồ muối chua; chế biến món ăn mềm, thái nhỏ, hầm kỹ; uống đủ nước theo nhu cầu.

- Về chế độ sinh hoạt và đời sống tinh thần: Tuổi già thường khó ngủ, đi tiểu đêm nhiều lần, dễ tỉnh giấc và khó ngủ lại khiến sức khoẻ và chất lượng cuộc sống suy giảm, dẫn đến suy nhược cơ thể và tinh thần. Vì vậy, nên tập cho họ thói quen đi ngủ và thức giấc vào đúng khung giờ nhất định, không nên kê gối cao khi nằm ngủ, không gian ngủ cần yên tĩnh, thoáng đãng, ít ánh sáng.

Người già nên tham gia sinh hoạt giải trí đều đặn như: đi bộ, tập thể thao, đánh cờ, đi du lịch... Cùng tham gia trò chơi, đọc báo, bình luận… giúp họ suy nghĩ tích cực. Hiện nay có nhiều các hoạt động hội nhóm phù hợp với các độ tuổi, mức độ sức khoẻ để người già dễ dàng tham gia. Các hoạt động này giúp họ cải thiện sức khỏe tinh thần.

Đặc biệt, chúng ta nên dành thời gian thăm hỏi, trò chuyện, chăm sóc sức khoẻ người già vào những thời gian rảnh rỗi như: Gọi điện thăm hỏi, đưa con cháu đến chơi với ông bà thường xuyên, đưa ông bà đi du lịch chung với gia đình… Đó là liều thuốc tốt nhất giúp họ vui vẻ hơn, yêu đời hơn.

Chăm sóc người già đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn, tinh ý để giúp người thân của mình nâng cao sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ.

Thành An