CCB Nguyễn Văn Á

Đã đi qua con giốc cuộc đời, niềm vui, nỗi buồn và cả những thành công hay thất bại gắn bó ông 27 năm trong đời quân ngũ trước khi trở thành một nhà báo đã để lại trong ký ức nhà thơ Nguyễn Văn Á nhiều kỷ niệm khó quên.

Hơn 20 năm làm “kẻ ăn mày dĩ vãng”, CCB - nhà thơ - nhà báo Nguyễn Văn Á - tác giả ý tưởng, đồng thời là người phối hợp với Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Uỷ viên T.Ư Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng vận động các tổ chức, cá nhân tài trợ kinh phí xây dựng công trình “Khu tưởng niệm 81 liệt sĩ Đại đội 16, Trung đoàn 27”, “Khu tưởng niệm 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27” và “Đền thờ 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27” tại thôn Phương Ngạn, xã Triệu Long,  huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị để tri ân đồng đội với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng.

Là người lính bước ra từ cuộc chiến tranh chống Mỹ; chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc, CCB Nguyễn Văn Á đã nhiều lần vuốt mắt tiễn đồng đội về cõi vĩnh hằng. Nỗi đau ấy là chất xúc tác làm bật lên những vần thơ xúc động về người lính chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc; là nỗi đau không thể đền bù của người mẹ mất con trong các cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược; là người vợ mang trong đời thảm hoạ da cam thời hậu chiến… đã hình thành một nhà thơ Nguyễn Văn Á  nặng lòng cùng đồng đội và quá khứ.

Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7), xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chân dung nhà thơ Nguyễn Văn Á và chùm thơ mới của ông về đề tài thương binh - liệt sĩ.

Khu tưởng niệm 2.500 liệt sĩ Trung đoàn 27 ở Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị do CCB Nguyễn Văn Á vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng để tri ân đồng đội.

Tháng bảy về

     Tháng Bảy về đất nước của tôi ơi

     Là cuộc hành hương về chiến trường khói lửa

     Những Cựu chiến binh không còn trẻ nữa

     Bước chân run, tóc điểm bạc, da mồi.

     Từng đoàn người lặng lẽ bước theo nhau

     Đến nghĩa trang suốt chiều dài đất nước

     Đốt nén tâm hương tri ân đồng đội

     Vì nhân dân dâng hiến cả đời mình.

     Ở Nghĩa trang Quốc tế Việt - Lào (1)

     Chiều rực cháy một màu hoa đỏ

     Bên ngọn nến tri ân màu lửa

     Cứ bập bùng thắp sáng cả trời đêm.

     Mẹ có về Bến Tắt (2) với con không

     Nghĩa trang Trường Sơn bạt ngàn bia mộ

     Nơi quần tụ những linh hồn lính trẻ

     Trên con đường mang tên Bác (3) thân yêu.

      Có nơi nào như Thành Cổ (4) năm xưa

     Những người lính đã đi vào huyền thoại

     Tám mốt ngày đêm bom trần, đạn rải

     Vẫn hiên ngang đánh giặc giữ Cổ Thành

     Có ai ngờ Thạch Hãn  (5) một màu xanh

     Trong phút chốc trở thành dòng sông máu

     Bao người lính đã qua đây nằm lại

     Làm mái chèo khuấy động mãi niềm đau.

     Mấy mươi năm dù đất nước bình yên

     Tháng Bảy về Thạch Hãn thành sông lửa

     Đêm hoa đăng đồng đội tôi không ngủ

     Người mẹ nào thầm khóc gọi tên con.

     Nghĩa trang Vị Xuyên (6) lưu dấu mười năm

     Tang tóc đau thương đỏ rừng phương Bắc

     Bên nấm mộ không tên đội mưa trầm mặc

     Lòng mẹ buồn chẳng thể nói cùng ai.

     Đất nước tôi Tháng Bảy lại ngân lên

     Hai tiếng tri ân anh hùng liệt sĩ

     Từ Bắc vào Nam vẫn đang yên nghỉ

     Giữa đất trời lồng lộng gió quê hương.

                  Hà Nội, ngày 1-7-2023.

(1)Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Việt - Lào ở thị trấn Anh Sơn, Nghệ An.

(2) Bến Tắt ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, Quảng Trị.

(3) Đường Hồ Chí Minh chạy theo Đông và Tây Trường Sơn .

(4)Thành cổ Quảng Trị ở TX. Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.

(5) Sông Thạch Hãn ở phía Bắc TX. Quảng Trị.

(6) Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên ở tỉnh Hà Giang.

Giọt sương bên cửa sổ

     Chị âm thầm gấp lại mảnh khăn trang

     Công việc cuối của đời con gái

     Khép hy vọng một thời đeo đuổi mãi

     Làm niềm tin ảo tưởng của riêng mình.

     Tuổi bốn lăm đâu phải chị vô tình

     Trước cuộc đời khát vọng nhiều đến thế

     Vẫn ao ước một lần thèm trái khế

     Chua quặn lòng, hạnh phúc được nâng niu.

     Nỗi thiết tha làm mẹ cứ thêm nhiều

     Cánh cửa sổ như mắt người khép, mở

     Chị đã sống hút tầm thương nhớ

     Về phương trời súng nổ phía anh đi.

     Một ngày kia chiếc nạng gỗ lầm lỳ

     Đều đặn gõ vào nhịp đời của chị

     Cái màn khói màu da cam quái dị

     Cứ âm thầm gặm nhấm cuộc đời anh.

     Giọt sương chiều đã điểm sáng long lanh

     Thả khao khát lên tuổi đời xế bóng

     Đành gấp lại mảnh khăn lòng nghẹn đắng

     Trong ngực đèn hy vọng cứ dần vơi.

     Vòm cây nào xào xạc gió không thôi

     Lùa nghẹt thở cả căn phòng bé nhỏ

     Chị im lặng ngắm nhìn qua cửa sổ

     Hứng tơ trời buông đỏ thấm đầy tay.

Để nhớ 60 năm thảm hoạ da cam Việt Nam 1961-2021

Bên nấm mộ không tên

     Có phải mày đây không con ơi?

     Mộ chí trên tay chữ còn, chữ mất

     Mẹ thầm hỏi một mình trong trời đất

     Sao vẫn lặng thinh, bia cũ đâu rồi?

     Như con chim mẹ cố lần hồi

     Thờ thẫn nhặt trên từng nấm mộ

     Nén hương cháy kiệt cùng thương nhớ

     Phút giây thành đâu chỉ với riêng con.

     Gánh thời gian đôi mắt hao mòn

     Tờ mộ chí bao lần tay gấp, mở

     Lòng những hẹn đưa con về xóm Chợ

     Nơi con từng ngóng mẹ mỗi chiều xưa.

     Bình rượu kia, và nải chuối bây giờ

     Mẹ phân phát, thôi mỗi người một tý

     Cho con bớt cô đơn giữa bao đồng chí

     Tháng năm còn nằm lại cánh rừng xa.

     Đêm xuống rồi thấm lạnh giọt sương sa

     Chiếc tiểu rỗng nặng đè trên lưng mẹ

     Con ở lại với cánh rừng săng lẻ

     Nước mắt cạn rồi - tiếng mẹ lạc về đâu?

            Hà Nội, mùa đông 1990

Mệ đừng buồn bên mộ chẳng dòng tên

     Đồng đội ơi, nào quần tụ về đây

     Những người lính của Trung đoàn Hai Bảy

     Chỉ phần mộ chiến trường xưa nằm lại

     Bao năm rồi tắm gội gió mưa chan.

    Anh em ơi, nào hãy xếp thành hàng

     Điểm danh nhé, một… hai… ba… và hết

     Bao ánh mắt lần tìm trên bia đá

     Dòng tên nào cũng nhức nhối con tim.

     Đồng đội ơi, biết chẳng thể kiếm tìm

     Những ngôi mộ “vô danh” thời trận mạc

     Mười sáu chiếc bia, hơn hai nghìn địa chỉ

     Cứ mịt mờ đôi mắt lệ đầy thêm.

     Mẹ đừng buồn bên mộ chẳng dòng tên

     Cha đừng khóc ngày con không về nữa

     Lá xanh rụng, lá vàng chưa kịp úa

     Cũng thường tình, cha hãy bớt niềm đau.

     Ngày con đi vào chớp bể, mưa nguồn

     Lưng mẹ bắc cầu vồng năm tháng

     Thương nhớ cũng mang hình viên đạn

     Chồng không về, em hoá đá Vọng Phu.

    Đồng đội ơi, đừng hờn tủi nữa nào

    Ca lên chứ cùng vui ngày hội tụ

    Ngôi “nhà chung” chúng mình từng ấp ủ

    Chính là đây - đồng đội cứ sum vầy.

     Đất linh thiêng bỗng chốc đổ mưa dày

     Giọt nước mắt ngày Ngưu Lang - Chức Nữ

     Cầu Ô Thước khép nỗi buồn quá khứ

     Nén hương chiều, ai thắp cuối trời xa?

Quảng Trị, ngày 24-7-2016

Thạch Hãn chiều nay

     Thạch Hãn chiều nay trời có mưa đâu

     Chỉ nước mắt tôi khóc bạn ngày chết trẻ

     Chỉ nước mắt của muôn nghìn bà mẹ

     Chảy xuống thành sông bên lở, bên bồi.

     Có một dòng sông Thạch Hãn trong tôi

     Là ánh “hoả châu” và “pháo bầy” giặc bắn

     Chúng tôi vượt sông khi hoàng hôn tắt

     Khúc sông thành “cửa tử” của bao người.

     Những người lính trẻ măng từ miền Bắc

     Vào Cổ Thành đã nằm lại nơi đây

     Cùng Thạch Hãn viết lên thời hoa lửa

     Làm bài ca giữ nước đến muôn đời.

     Thạch Hãn đêm nay đủ sắc đèn màu

     Những quán cà phê xập xình tiếng nhạc

     Bao đôi lứa hôn nhau bên bờ sông hoài niệm

     Có biết dưới sông kia còn nhiều bạn tôi nằm?

     Tuổi trẻ chúng tôi chẳng được thế này đâu

     Một mẩu lương khô cũng ấm tình đồng đội

     Một lá thư nhà chuyền tay nhau đọc vội

     Giữa chiến hào khét lẹt đạn bom rơi.

     Mẹ đừng buồn sau làn khói mờ sương

     Cha đừng khóc mỗi lần nhìn di ảnh

     Xin Thạch Hãn, Cổ Thành đừng ám ảnh

     Những linh hồn chưa một nấm mồ chôn.

Hà Nội, ngày 4-10-2020