Những ngày này ai ai “con Lạc cháu Hồng” cũng đang hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - không chỉ với niềm tự hào về tầm vóc vĩ đại, ý nghĩa sâu sắc của chiến thắng, mà còn từ sâu thẳm mỗi người đều đau đáu nghĩ về “cái giá” phải trả của dân tộc này cho chiến thắng “bằng vàng” đó.

Đúng. Mãi mãi đúng; khi nói, chiến thắng đó phải đổi bằng “cái giá” của cả dân tộc. Nhưng lại cũng đúng. Đúng đến đo đếm được sự mất mát, hy sinh của một khoảng thời gian và không gian cụ thể, tới từng gia đình, từng con người bằng da, bằng thịt.

Đó là hàng vạn chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân đã anh dũng hy sinh, mà hầu hết ở tuổi mười tám, đôi mươi; hầu hết chịu đựng gian khổ hy sinh; hầu hết thân xác đã hòa vào núi, sông; đó là hàng vạn dân công hỏa tuyến trong “đội quân xe thồ” vượt những chặng đường hàng trăm ki-lô-mét; qua hàng trăm con dốc, con suối, chở hàng nghìn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm vào phục vụ chiến dịch...

Do hoàn cảnh chính quyền cách mạng còn non trẻ, lại “thù trong, giặc ngoài” mà một trong những đặc điểm chung là tất cả, bộ đội, công an, dân công, nhân dân, đồng bào các dân tộc..., ai ai dù nam, hay nữ, dù trẻ, hay già, hễ là người Việt Nam, cũng hầu hết “ăn cơm nhà làm việc nước”, sẵn sàng hy sinh thân mình, xông lên giết giặc ngoại xâm. Thật khó đong đếm được sự hy sinh vô giá của họ cho chiến thắng Điện Biên Phủ.

Sự hy sinh lớn lao đó chắc chắn Tổ quốc này, dân tộc này sẽ không bao giờ trả hết được; mà chỉ có thể đền đáp lại bằng trách nhiệm, sự cống hiến, đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích cá nhân của “mỗi người, gom góp vào muôn người” để xây dựng Tổ quốc ta, nhân dân ta được sống trong hòa bình, được ngày càng no ấm, hạnh phúc...

Nhìn lại đó đây, ngay trong những ngày vui chiến thắng này, dường như người này, người kia; ngành này, ngành kia vẫn còn tệ tham ô, tham nhũng, lãng phí... Điều đó thật có lỗi với những người đã anh dũng hy sinh cho ta được sống trong hòa bình như hôm nay.

Huy Thiêm