Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Patrick Shanahan gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Ngụy Phượng Hòa tại Singapore ngày 31-5.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở thành tâm điểm của Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, diễn ra ở Singapore từ ngày 31-5 đến 2-6, trong lúc cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc này đang được đẩy đến đỉnh điểm. Cụm từ “lòng tin chiến lược” lại được nhắc đến với hy vọng hai siêu cường về kinh tế và quân sự này hành xử thận trọng và có trách nhiệm, tránh chuyến từ thế cạnh tranh sang đối đầu, gây mất an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Singapore - Lý Hiển Long trong phát biểu khai mạc tối 31-5, đã rất khéo léo dẫn luận từ lịch sử hình thành của Singapore và các nước Đông Nam Á tới sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông cho rằng, Trung Quốc bây giờ đã khác và các nước cần nhìn nhận Trung Quốc ngày nay đã lớn mạnh hơn và có vai trò lớn hơn.
Thế nhưng, ông Lý Hiển Long cũng cho rằng: “Những xích mích giữa Trung Quốc và các nước khác sẽ phát sinh lúc này hay lúc khác. Các yêu sách chủ quyền biển chồng chéo là một ví dụ. Trung Quốc nên giải quyết những tranh chấp này một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS (Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển)”. Cũng theo Thủ tướng Singapore, “Trung Quốc nên làm như vậy thông qua ngoại giao và thỏa hiệp thay vì dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, đồng thời cân nhắc tới lợi ích cốt lõi và quyền của các quốc gia khác. Dần dần, Trung Quốc sẽ xây dựng được danh tiếng của mình là một cường quốc có trách nhiệm và hào hiệp mà các nước khác không cần phải lo sợ”.
Từ “lo sợ” mà ông Lý Hiển Long nhắc tới có thể hiểu là sự quan ngại của các nước trong khu vực nếu Trung Quốc lớn mạnh hơn mà lại hành xử thiếu trách nhiệm hoặc dùng vũ lực để bảo vệ sự phát triển của mình như trường hợp của Nhật Bản trong Thế chiến thứ 2. Trong khi đó, “bẫy Thucydides” (nhắc đến những quan sát của một sử gia Hy Lạp cổ đại về cuộc chiến giữa thành Sparta và thành Athens vào thế kỷ 5 trước Công nguyên) cũng khiến Mỹ lo ngại. Đây là cái bẫy đã từng xảy ra trong lịch sử khi một cường quốc đe dọa soán ngôi một cường quốc khác và dẫn tới chiến tranh - một điều không cần thiết. Do vậy, để tránh sai lầm của lịch sử lặp lại “bẫy Thucydides” gần 2.500 năm trước ở Hy Lạp, rất cần Trung Quốc hành xử có trách nhiệm như Thủ tướng Lý Hiển Long đã khẳng định và Mỹ cũng cần có sự tin cậy với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy vậy, xây dựng lòng tin chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc là một hiện thực khó khăn ở thời điểm này. Một cuộc khảo sát gần đây ở Mỹ cho thấy gần 50% người Mỹ có quan điểm không ưa Trung Quốc trong khi truyền thông Trung Quốc phát lại những bài hát từ thời Chiến tranh Triều Tiên với nội dung kháng chiến chống Mỹ.
Thực tế trên có thể bắt nguồn từ sức nóng ngày càng tăng của cuộc chiến thương mại nhưng nguy hiểm hơn nó lại được cổ súy bởi cả những hành động quân sự. Chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Trung Quốc cũng được cho là đã hoàn tất quá trình quân sự hóa các đảo nhân tạo mà họ dùng vũ lực chiếm đóng trên Biển Đông.
Trong khi đó, phát biểu tại Shangri-La năm nay, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Patrick Shanahan, cho biết BTL Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ có sức mạnh gấp 4 lần so với bất kỳ BTL nào khác của Mỹ; và chính quyền của Tổng thống Donald Trump có chiến lược, có kế hoạch ở khu vực này. Hơn thế, tuy nhắc tới cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc - Ngụy Phượng Hòa ngày 31-5 là “có tính xây dựng và hữu ích”, nhưng ông Shanahan vẫn nhắc tới sức mạnh quân sự Mỹ như một sự răn đe.
Hơn ai hết, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng một hành động thiếu kiềm chế, cân nhắc của cả hai bên ở thời điểm này đều đe dọa tới an ninh và thịnh vượng ở khu vực. “Cơ bắp quân sự” không bao giờ là giải pháp tối ưu. Nếu hai bên xây dựng được lòng tin chiến lược ở nhau và có được sự tin tưởng, ủng hộ của các nước trong khu vực thì đó mới là động lực để các nước cùng nhau vượt qua các thách thức chung, hướng tới thịnh vượng trong khu vực và thế giới.
Ngọc Hưng