Chuyến thăm châu Âu của Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong tuần này càng trở nên ý nghĩa hơn khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) ký kết một văn kiện quan trọng, để Việt Nam có điều kiện thể hiện hơn nữa trách nhiệm của mình với hòa bình và ổn định của thế giới.
Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và EU về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (gọi tắt là FPA) được ký kết khi Việt Nam chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 cho thấy việc Việt Nam tham gia vào các hoạt động mang tính xây dựng và nhân đạo, dưới sự bảo trợ của LHQ là cần thiết, giúp nâng cao hơn nữa hình ảnh và vai trò của Việt Nam.
Từ năm 2003 đến nay, EU đã triển khai tổng cộng 34 hoạt động và các phái bộ tại 3 châu lục. Hiện nay, EU cùng các nước đối tác đang duy trì 6 hoạt động quản lý khủng hoảng quân sự và 10 hoạt động quản lý khủng hoảng dân sự với khoảng 5.000 nhân sự nhằm duy trì hòa bình, ngăn ngừa xung đột, củng cố hòa bình, duy trì hệ thống luật pháp, chống buôn người và chống cướp biển.
Do đó, ký FPA với EU để tham gia các hoạt động mang lại hòa bình, ổn định trên thế giới không trái với Hiến pháp của Việt Nam; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế; bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tuân thủ các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, FPA cũng phù hợp với tinh thần “hợp tác toàn diện”, trong đó có lĩnh vực quốc phòng và an ninh, của Hiệp định đối tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA). Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng với EU sẽ tạo ra kết nối giữa hợp tác với khu vực và hợp tác với mỗi quốc gia thành viên; thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm; góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng và đồng thời tạo điều kiện cho quân nhân ta rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các nội dung hợp tác.
FPA cam kết hành động theo nguyên tắc và tinh thần của Hiến chương LHQ và là một hiệp định khung, trong đó quy định phía Việt Nam có toàn quyền quyết định việc tham gia/rút khỏi, vào bất kỳ thời điểm nào, các hoạt động cụ thể do EU đề xuất. Với FPA, nước đối tác có thể tham gia vào các hoạt động quản lý khủng hoảng mang tính chất nhân đạo trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế; trong đó, nguyên tắc quan trọng nhất của Hiệp định là các nước đối tác có quyền lựa chọn lĩnh vực, mức độ tham gia phù hợp với chính sách đối ngoại, nhu cầu và khả năng của mình. Với mỗi hoạt động mà Việt Nam đồng ý tham gia, hai bên sẽ có các thỏa thuận cụ thể để thực hiện. Đối với các nghĩa vụ phát sinh, Việt Nam có quyền tự chủ, tự quyết, trên cơ sở đàm phán, thống nhất.
Việt Nam đã có kinh nghiệm tham gia lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) LHQ từ năm 2014 và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Do đó, cùng với sự giúp đỡ, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, lực lượng GGHB của Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa khi FPA được ký kết, thể hiện trách nhiệm lớn hơn của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Ngọc Hưng