Tại Việt Nam, luôn tràn ngập hàng hóa (quần áo, giày dép, đồ điện tử, thực phẩm, trái cây, đồ chơi trẻ em…) nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiễm hóa chất độc hại (theo Tổng cục Hải quan, có tới 90% số hàng giả trên thị trường trong nước có xuất xứ từ Trung Quốc).
Người tiêu dùng từ nông thôn đến thành thị, đều trở thành nạn nhân của những thứ hàng hóa này, ngay tại “sân nhà”?
Phải chăng, chúng ta đang ngày càng lệ thuộc lớn hơn vào thị trường Trung Quốc?
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành quan hệ bắc ngang, tức là Việt Nam xuất phần lớn nông lâm thủy sản, các nguyên liệu thô sang Trung Quốc rồi nhập các sản phẩm trang thiết bị công nghiệp, sản phẩm máy móc.
Báo chí trong nước và quốc tế từ lâu đã cảnh báo mối họa nhập hàng hóa kém chất lượng từ Trung Quốc, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng như gạo giả, sữa bột giả, trái cây nhuộm chất hóa học, dư lượng thuốc trừ sâu… cho tới cả tiền giả, đang phá hoại nền kinh tế Việt Nam một cách âm ỉ.
Với lợi thế giá rẻ và không bị ràng buộc về mặt chất lượng nên các mặt hàng phổ thông, có tác động trực tiếp đến sự an toàn của người dân như đồ gia dụng, rau củ quả, trái cây “made in China” được nhập về Việt Nam qua con đường tiểu ngạch. Người ta tính, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn trái cây được nhập vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn)!
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đang tạo ra 2 mối nguy cho Việt Nam: Trước hết đó là hàng hóa thực phẩm giá rẻ tràn vào, nhưng không được kiểm soát tốt về chất lượng; thứ hai, nguy hiểm hơn là Trung Quốc có chiến lược “đẩy” hàng nghìn, hàng vạn thiết bị công nghệ sản xuất lạc hậu sang các nước, trong đó có Việt Nam, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ thành “bãi phế thải” công nghệ của họ.
“Trong khi rất nhiều hàng hóa trong nước hoàn toàn có thể sản xuất được, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại bị cạnh tranh trực tiếp từ hàng nhập khẩu, cuộc chiến không cân sức với hàng Trung Quốc có thể “tiêu diệt” nền sản xuất nội địa. Để rồi từ đó, Trung Quốc thả sức “tung hoành” biến Việt Nam vốn đã lệ thuộc, nay trở thành “sân sau” tiêu thụ hàng hóa do họ kiểm soát chất lượng?”-bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nói.
Thực tế, năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trên hàng loạt lĩnh vực là “ăn đứt” Việt Nam, các sản phẩm cùng chủng loại thường phong phú hơn về mẫu mã và có sự thay đổi rất thường xuyên. Hơn nữa, Trung Quốc có thể sản xuất với giá thành rất thấp do họ có lợi thế quy mô sản xuất, cũng như khả năng sản xuất tất cả các nguyên nhiên phụ liệu cần thiết và tổ chức sản xuất có hiệu quả cao.
Vậy không lẽ, chúng ta sẽ không thể thoát khỏi được “gọng kìm” của Trung Quốc? Câu trả lời có lẽ chỉ có chính các doanh nghiệp Việt Nam và các cấp quản lý vĩ mô trả lời. Bởi khi Việt Nam đã có cam kết hội nhập thì không thể phân biệt đối xử với hàng của Trung Quốc.
Như thế, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, thông qua những chính sách về hỗ trợ nghiên cứu công nghệ, đầu tư… Việt Nam cần có chính sách để thoát khỏi “bẫy thương mại tự do”. Nghĩa là, Việt Nam không thể chỉ có thể dựa vào lợi thế tĩnh, lao động giá rẻ, mà phải nâng cao trình độ sản xuất của cả nền kinh tế, thông qua lực lượng lao động có chất xám và tay nghề cao.
Xuân Phong