Nhân dân Thủ đô Hà Nội đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6-1-1946.

Năm 2021, cùng với thành công rực rỡ từ Đại hội XIII của Đảng, ngày bầu cử (23-5-2021) là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền làm chủ của mình qua việc lựa chọn, tìm người tài, đức để ủy thác cho họ làm “người lính vâng mệnh của quốc dân”, là “công bộc”, “người đầy tớ trung thành” cho nhân dân, nghĩa là trao cho họ quyền hành và trách nhiệm “làm việc chung cho nhân dân và phải làm tốt”… ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Cuộc bầu cử Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là kỳ bầu cử có hệ thống thiết chế pháp luật phục vụ cho công tác bầu cử hoàn thiện nhất trong lịch sử 75 năm Quốc hội nước ta. Bao gồm: Bản Hiến pháp mới được sửa đổi năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi 2020 hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015; luật và một số văn bản, chỉ thị, nghị quyết có liên quan…

Nhân sự kiện trọng đại, ngày hội toàn dân thể hiện quyền làm chủ của mình, một trong những quyền thiêng liêng mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên trì phấn đấu quên mình vì dân, vì nước để cho ai cũng được thực hiện quyền bầu cử, chúng ta ôn lại một vài quan điểm của Người về công tác bầu cử, ý nghĩa của cuộc bầu cử, trách nhiệm của mỗi cử tri với mong muốn: Toàn Đảng, toàn dân sẽ thực hiện thành công cuộc bầu cử Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bối cảnh chính quyền non trẻ gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đề nghị Chính phủ lâm thời tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Ngày 31-12-1945, Người đã viết bài nhan đề “Về ý nghĩa Tổng tuyển cử” đăng trên Báo Cứu Quốc số 130, Người đã chỉ rõ quyền bầu cử, ứng cử: “...Trong tổng tuyển cử, hễ là người muốn lo việc nước thì đều có quyền tống cử, hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử, không phân chia trai gái, giàu nghèo, tôn giáo, giai cấp, đảng phái, hễ là công dân Việt Nam thì đều có hai quyền đó”.

Về tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nêu rất cô đọng và đầy đủ các đặc điểm cần và đủ của người cán bộ cách mạng: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”(1). Và trách nhiệm của những người đại biểu đại diện quyền lực của nhân dân khi trúng cử: “…Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng”(2).

Ngày 5-1-1946, một ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, trước hơn hai vạn đồng bào Thủ đô Hà Nội đang mít tinh ủng hộ cuộc bầu cử, trong Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố:

“…Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.

Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.

...Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hưởng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do”(3).

Ngày hội bầu cử là ngày “chọn mặt gửi vàng”. Trách nhiệm và quyền lợi qua mỗi tấm lá phiếu cử tri về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó bé nhỏ, nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao xương máu trong cuộc cách mạng đánh đổ thực dân và phong kiến mới giành được nó. Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thực sự của mỗi người công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người cử tri. Phải đi bỏ phiếu để tự mình lựa chọn những người xứng đáng thay mặt cho mình trong Quốc hội”(4).

Nguyễn Văn Thanh

(1). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG-ST, H.2011, tập 4, tr. 153.

(2,3). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG-ST, H.2011, tập 4, tr. 166-167.

(4). Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG-ST, H.2011, tập 14, tr. 298.