Một hệ thống S-400 của Nga.
Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ ngày 12-7-2019 thông báo: "Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận lô thiết bị đầu tiên của hệ thống phòng không S-400. Các thiết bị này được chuyển tới căn cứ không quân Murted ở tỉnh Ankara".
Vậy là quyết định mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu được hiện thực hóa chứ không chỉ là những lời nói suông.
S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và xa của Nga, dùng để tiêu diệt các phương tiện tấn công và do thám từ trên không cũng như mọi mục tiêu trên không khác trong điều kiện đối kháng hỏa lực và vô tuyến điện tử mạnh.
Việc một quốc gia mua vũ khí hay trang thiết bị quân sự để tăng cường khả năng bảo vệ đất nước của mình là chuyện bình thường, nhưng trong trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ thì nó được xem như một phép thử đối với đồng minh NATO, đặc biệt là Mỹ.
Ngay khi có tin Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận lô thiết bị đầu tiêu của hệ thống S-400, NATO, một quan chức NATO bày tỏ quan ngại vì lo sẽ ảnh hưởng tới khả năng tương tác của quân đội các nước trong NATO, bởi NATO đã nhiều lần cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ rằng hệ thống của Nga không tương thích với các hệ thống vũ khí của các nước thành viên khối quân sự này mà Ankara là thành viên, ít nhất là với máy bay chiến đấu F-35. Ngoài ra, Mỹ lo ngại nếu Thổ Nhĩ Kỳ tích hợp S-400 vào hệ thống phòng thủ của mình, Nga có thể có được các dữ liệu nhạy cảm về máy bay F-35, máy bay chiến đấu tàng hình đa năng thế hệ mới.
Đó là quan ngại của NATO, nhưng nghe không thuyết phục. Nếu nói S-400 có thể thu được các dữ liệu nhạy cảm về F-35 thì ngược lại NATO hoàn toàn có thể hợp lực cùng “phẫu thuật” hệ thống này khi Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu S-400. Hơn nữa, nếu S-400 không tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO thì NATO và Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể “lưu kho” S-400 khi tập trận chung vì dù hiện đại đến mấy thì S-400 vẫn chỉ là một loại tên lửa chiếm số ít trong số những tên lửa thuộc hàng tối tân mà các nước thành viên NATO đang cùng sử dụng.
Tới đây, người ta lại hỏi, vậy thì tại sao NATO và Mỹ phải bận tâm khi Ankara “tậu” S-400? Có nhiều câu trả lời: NATO đang muốn cô lập Nga và không muốn Nga có được hợp đồng này; Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ mua Patriot của Mỹ để thay thế hợp đồng mua S-400 nhưng Mỹ quá chần chừ; Mỹ không muốn đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ “tiên phong đảo hướng” khi quyết định mua vũ khí của đối thủ…
Dù là gì, thương vụ S-400 đang là một phép thứ lớn đối với phản ứng của Mỹ và các nước thành viên NATO trong những ngày này. Trước đó, Washington đe dọa loại Ankara ra khỏi chương trình máy bay F-35 cho thời hạn đến ngày 31-7 để Ankara hủy thương vụ S-400 hoặc loại các phi công của nước này ra khỏi khóa đào tạo và trục xuất ra khỏi Mỹ. Một quan chức ngoại giao Mỹ còn nêu rõ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn nắm rõ Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt (CAATSA) có hiệu lực từ năm 2017, theo đó cho phép Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt các quốc gia mua vũ khí của Nga. Giới thạo tin cho biết chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã lựa chọn một trong ba đề xuất trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, song hiện vẫn chưa rõ cụ thể các đề xuất đó ra sao.
Không phải Ankara không nắm rõ khả năng sẽ bị trừng phạt nếu mua S-400. Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong những năm gần đây trở nên căng thẳng và thường thì Ankara chịu lép vế trong các cuộc thương thảo song phương. S-400 Thổ Nhĩ Kỳ đã mua. Các lựa chọn trừng phạt Ankara đã ở trên bàn Tổng thống Mỹ. Đây là một phép thử cân não đối với đồng minh và chỉ cẩn một bước đi sai lầm của Mỹ và NATO sẽ dẫn đến những biến động mạnh trong khu vực.
Ngọc Hưng