(Báo tháng 6) - LTS: Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, Báo CCB Việt Nam xin trích giới thiệu bài viêt của Nhà văn Minh Chuyên: “Phận người da cam” - phần viết về số phận những trẻ em vô tội ở cả nước Mỹ và Việt Nam gánh chịu nỗi đau da cam.

Cố Đô đốc Elmo ZamWaly (Hoa Kỳ) người ra lệnh rải thảm chất độc da cam xuống các vùng chiến sự tại miền Nam Việt Nam - nơi con trai ông: Trung úy, Elom ZamWaly đang làm phận sự. Hành động của Elmo ZamWaly không chỉ gây thảm họa cho nhân dân Việt Nam và hàng triệu đứa trẻ Việt Nam mà còn làm chính con trai ông cùng đứa cháu nội của ông bị di nhiễm chất độc rất rặng.

Trong cuốn sách của mình, Elmo ZamWaly thú nhận nỗi bất hạnh và bi kịch của gia đình ông. Một đoạn cuốn sách viết: “Trong những sai lầm của cuộc đời, hành động mà tôi gây ra ở Việt Nam là việc làm tồi tệ nhất, đau thương nhất. Tôi không ngờ nó lại triệt hại gia đình tôi thảm khốc như thế. Con trai tôi: Elom ZumWaly từ chiến trường miền Nam Việt Nam về lấy vợ, sinh con rồi phát bệnh ung thư. Con của Elom, tức cháu nội của tôi mới sinh ra thân hình dị tật, cổ rụt, chân tay co quắp. Nhìn cháu, tôi tự trách: vì ông cháu mới ra nông nỗi này. Bố của cháu: Elom ZumWaly nhìn con nằm vật vã, đau đớn hai hàng nước mắt tràn ra.

Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Elom tâm sự: “Nếu như bố không ra cái lệnh rải thảm chất độc da cam ở miền Nam Việt Nam thì cuộc đời con đâu phải kết cục như thế này. Con của con, cháu của bố thân hình đâu phải thảm hại như thế này. Con được biết hàng triệu người Việt Nam đang phải sống quằn quại, đau đớn chết dần, chết thảm cũng vì cái chất da cam của bố…

Nhưng bố ơi, có lúc con lại tự vấn giá như biết trước thảm họa này, bố chống lại mệnh lệnh, bố có tin con và cháu của bố thoát nạn không? Không thoát đâu bố ạ. Bố không ra lệnh sẽ có một ông Đô đốc chỉ huy khác ra lệnh và số phận của con, của con con cùng bao người dân Việt Nam chắc vẫn không tránh khỏi di họa khủng khiếp này. Con nghĩ sự sám hối của bố đã muộn rồi, không còn cơ hội để cứu sống con, cứu cháu của bố, nhưng có thể vẫn còn cơ hội cứu được nhiều người khác. Với danh phận cựu Đô đốc, người trực tiếp gây ra thảm họa ở Việt Nam, bố hãy vào Nhà trắng, kiến nghị với Chính phủ Mỹ: Đừng bao giờ gây nên các cuộc chiến tranh hóa học trên trái đất này nữa...".  Đúng như con trai tôi từng tâm sự: Chính phủ Mỹ không thể vô tâm làm ngơ trước thảm họa  hàng triệu người Việt - nhất là những em nhỏ - đang chết dần trong nỗi đau da cam của người Mỹ.

Gặp các nhân chứng người Mỹ mới rõ, họ dùng vũ khí hóa học hủy diệt người Việt, kết cục số phận của họ thảm hại cũng không kém. Còn nỗi đau của những nạn nhân da cam Việt Nam thì cũng không khác gì nỗi đau của người Mỹ.

Nhưng qua câu chuyện dưới đây thì đúng là người Việt có sức chịu đựng phi thường và có lòng vị tha, bao dung đến thánh thiện:  

Cựu binh Preston Woot sống tại tiểu bang Mai Ne Hoa Kỳ, từng tham gia phục vụ quân đội Mỹ rải chất độc vùng chiến sự A Sầu, A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế và sân bay Đà Nẵng những năm 1964-1966. Trở về Mai Ne nước Mỹ, sau đó Presston cưới vợ, sinh con. Nhưng cả ba lần vợ ông sinh nở là ba lần vợ chồng sợ hãi, hoang mang. Lần thứ nhất sinh ra một bọc thịt đỏ hoẻn, không có đầu, không có chân. Lần thứ hai một quái thai kỳ dị. Lần thứ ba vợ ông sinh ra hình hài một con người, nhưng không có mồm, hai bờ môi dính chặt vào nhau, được hai ngày thì đứa bé chết. Preston Woot đi khám bệnh bác sỹ phát hiện nồng độ độc tố trong máu dương tính 158-PPT gấp hơn 60 lần người bình thường. Thủ phạm biến con ông thành những quái thai chính là độc tố này đây. Ông rùng mình nghĩ tới những lần vận chuyển chất độc diệt cỏ ở sân bay Đà Nẵng đi rải thảm. Chất độc đã thấm vào gan ruột của ông để rồi sát hại vợ con ông và sát hại bao gia đình cựu binh đồng đội của ông từ Việt Nam trở về.      

Tôi gặp Preston Woot ở Boston. Ông kể với tôi, ngày 15- 5-2016 ông cùng vợ là bà Mathas collin sang Việt Nam với danh nghĩa làm từ thiện, chia sẻ cùng các nạn nhân da cam, hy vọng để vơi đi sự ám ảnh, dằn vặt tâm can ông đã bao năm trời.

Sau gần 10 ngày ở các tỉnh miền Trung, vợ chồng ông trở ra miền Bắc. Về Thái Bình được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đưa tới làng Bắc Trong - nơi có nhiều trẻ em bị di nhiễm chất độc từ bố mẹ. Tới thăm gia đình đầu tiên là cựu binh Lại Văn Hằng, ông là người nhiễm chất độc ở chiến trường Tây Nguyên. Con ông: Lại Thị Hà hơn 30 tuổi trần truồng, đứng co ro, run rẩy, tay bám chặt vào chiếc cũi sắt. Đó là hậu họa chất độc từ ông Lại Văn Hằng truyền cho con. Lại Thị Hà ngay từ ngày còn nhỏ đã tâm thần hoang dại. Hà leo trèo như khỉ, ăn sống tất cả các loại côn trùng. Chuột, dán, dun, dế, cóc, ngóe; bắt được chúng là Hà cho vào mồm nhai nghiến ngấu. Quậy phá, gào thét, cắn xé quần áo, ngâm mình dưới ao, gia đình phải nuôi Hà trong cũi đã hơn 30 năm.

Ông Preton Woot cùng vợ đứng bên chiếc cũi nghe người phiên dịch giới thiệu và quan sát cô Hà. Có người đến cô Hà lè lưỡi há mồm, một tay bám đu rung rung chiếc cũi, một tay chìa ra xin ăn. Được nhìn tận mắt, ông Preston không thể tưởng tượng cái chất độc diệt cỏ của người Mỹ nó lại khủng khiếp, xô đẩy con người vào hoàn cảnh như thế này.

Nghe tin có ông cựu binh Mỹ rải chất độc ở miền Nam năm xưa về nhà ông Lại Văn Hằng, các gia đình nạn nhân da cam làng Bắc Trong kéo đến rất đông. Không phải họ kéo đến để nhận quà từ thiện mà đến để xem mặt tên lính Mỹ đã giết hại bao nhiêu gia đình ở cái làng này. Họ vây quanh vợ chồng ông Preston Woot, đẩy ông vào sát chiếc cũi. Hà nhoài người túm được tay ông Breston lôi vào. Hoảng hốt ông kéo ra, nhưng hai tay cô như hai gọng kìm bóp chặt. Ông Lại Văn Hằng phải nựng con: Hà ơi, ngoan nào, bỏ tay ông Mỹ ra, bố cho ăn bánh này... Hà buông tay cười ré lên...

Các nạn nhân kéo đến mỗi lúc một đông, họ sát lại để nhìn rõ mặt tên lính Mỹ năm xưa. Ông Preston sợ hãi, ông nghĩ tình huống có thể bất lợi cho vợ chồng ông. Có thể dân làng đây, con cháu của họ ở nhà cũng đang đau đớn, quằn quại. Họ sẽ xô vào giết ông, xé xác ông, vì căm hận, vì ông đã gây nên đau thương chết chóc cho gia đình họ. Ông Preston Woot từ từ lùi ra, người ông lảo đảo run run, vẻ mặt xám ngắt.

Ông Lại Văn Hằng vội đỡ ông và bảo: Ông đừng sợ, chúng tôi không ai làm gì ông đâu. Một nạn nhân đứng cạnh nói: Khi về nước Mỹ, ông hãy nhớ nói cho Chính phủ của ông đừng bao giờ gây ra cuộc chiến tranh hóa học như ở Việt Nam chúng tôi.

Ông Lại Văn Hằng nói tiếp: Con tôi là con người, vì các ông, nó không được sống kiếp của con người. Chính phủ của ông phải có trách nhiệm với bố con tôi, phải có trách nhiệm với các nạn nhân của làng Bắc Trong này.

Ông Preston tỉnh lại, đầu gật gật, nhìn mọi người, một cảm giác bình an và thiêng liêng. Ông không ngờ một dân tộc có những con người đang gánh chịu nỗi đau, đứng cạnh ông đây thật nhân nghĩa vô cùng. Họ không chỉ thể tất cho ông kẻ đã từng gây đau thương cho gia đình họ, còn ân tình dặn dò ông khi trở về nước Mỹ.

Lúc chia tay dân làng, đột nhiên hai tay Hà đánh đu song sắt, giật giật chiếc cũi rung rung và thét vang.

Tiếng thét như tiếng vọng của quá khứ…

Tháng 6-2019

Minh Chuyên