Người dân đến đặt hoa tại khu tưởng niệm các nạn nhân trong vụ xả súng ở T.P Christchurch

Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern đã lên tiếng về việc Facebook và một số mạng xã hội chậm ngăn chặn hoặc gỡ bỏ các bản sao của video mà kẻ xả súng ở một nhà thờ Hồi giáo ở T.P Christchurch (New Zealand) phát trực tiếp trên Facebook. Hành động chỉ trích là đúng nhưng chưa đủ bởi New Zealand và thế giới còn nhiều việc phải làm để ngăn chặn những vụ thảm sát như vậy.

Ngày 15-3, khi người Hồi giáo gồm nhiều quốc tịch khác nhau đang sinh sống ở T.P Christchurch đến nhà thờ làm lễ thì một sát nhân máu lạnh đã xả súng sát hại 50 người. Đáng nói, nghi phạm người Australia Brenton Tarrant chỉ hành động sát nhân và còn phát trực tiếp hình ảnh y đang nổ súng giết người trên Facebook. Đáng nói hơn, nhiều người xem trực tiếp những hình ảnh này không những không lên án mà còn ca ngợi hành động của y. Bên cạnh đó, nhiều người còn sao chép, biên tập lại đoạn video 17 phút trên và phát tán hàng triệu lượt trên nhiều mạng xã hội khác và rồi các mạng xã hội này phản ứng chậm chạp trong việc gỡ bỏ các đoạn video trên.

Ngăn chặn việc phát tán các hình ảnh bạo lực hay kích động hận thù là đúng nhưng việc cần làm trước đó và làm lâu dài là ngăn chặn các cá nhân vì hận thù, mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc… mà ra tay không thương xót. Tarrant đã gửi thư cho giới chức New Zealand và nhiều tổ chức 10 phút trước khi siết cò nhưng không thông báo địa điểm nên rất khó để ngăn chặn y nổ súng. Trước vụ xả súng, Tarrant, 28 tuổi, cũng là người “không tỳ vết” trong cả hồ sơ của Australia và New Zealand nên chẳng ai phải cảnh giác với y. Tuy vậy, theo nội dung thư mà hắn gửi thì nguyên nhân chính khiến hắn xả súng là mâu thuẫn với người Hồi giáo bởi những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan đã gây ra nhiều vụ khủng bố giết hại người da trắng. Do vậy, ngoài việc ngăn chặn phát tán những hình ảnh bạo lực, các quốc gia cũng cần có các biện pháp cấm sử dụng súng và giáo dục tránh “lấy oán báo oán”, đẩy thế giới vào vòng xoáy bạo lực.

Australia hay New Zealand là nơi luôn tự hào với truyền thống hòa hợp đa sắc tộc, đa văn hóa. Ở các quốc gia này, gia đình của những người có sắc tộc khác nhau, tôn giáo khác nhau lại sống đan xen với nhau chứ không sống thành khu riêng như ở nhiều quốc gia khác. Việc đi lại giữa Australia và New Zealand cũng rất dễ dàng với thủ tục gần như “bằng không”. Ngược lại, việc kiểm soát biên giới, hải quan với người từ các quốc gia khác đến đây lại hết sức chặt chẽ. Thế nên, việc xảy ra khủng bố ở hai đảo quốc nằm ở Nam bán cầu là rất hạn chế trừ khi những kẻ cực đoan tự xuất hiện tại quốc gia này như trường hợp của Tarrant. Khi những vụ khủng bố như vậy xảy ra thì đó rõ ràng là mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc nhưng thủ phạm và phần lớn nạn nhân lại là người cùng quốc tịch.

Chính phủ các nước trên thế giới đều lên án vụ tấn công đẫm máu trên, nhưng điều cần lưu ý là vẫn còn nhiều người hùa theo, ca ngợi hành động giết người máu lạnh này. Các trang mạng xã hội cần ngăn chặn việc đăng tải, phát tán các thông tin bạo lực, kích động hận thù là đúng, nhưng cần phải ngăn chặn thật sớm và triệt để.

Quan trọng hơn, cần có các biện pháp cần thiết để xóa bỏ hận thù tôn giáo, sắc tộc và cấm sử dụng súng thì mới đủ để ngăn chặn những vụ việc giết người máu lạnh tương tự xảy ra trong tương lai, kể cả ở quốc gia có tiếng là hòa hợp và bình yêu như Australia và New Zealand.

Ngọc Hưng