Đến nay, khi Covid-19 thực sự trở thành đại dịch, mối hiểm họa của toàn nhân loại, thì Việt Nam được bạn bè quốc tế thừa nhận là một trong những quốc gia phòng, chống đại dịch này thành công nhất.

Ngày 20-3-2020, Bộ Chính trị kết luận công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nhận định: “Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo các cấp, các ngành nắm chắc tình hình, diễn biến, kịp thời có những giải pháp hiệu quả phòng, chống dịch bệnh. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao, thông tin, tuyên truyền, đoàn thể… và các địa phương đã phối hợp thực hiện nghiêm túc, triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ được giao. Các thông tin về dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch được truyền tải nhanh, minh bạch, đầy đủ; xử lý kịp thời, nghiêm minh các thông tin sai sự thật. Nhân dân ta đã thể hiện sự bình tĩnh, chủ động cùng cấp uỷ, chính quyền các cấp tham gia phòng, chống dịch bệnh; đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn”.

Từ kết luận trên có thể đưa ra một mô hình chống dịch “kiểu Việt Nam” đó là: Cả hệ thống chính trị vào cuộc “chống dịch như chống giặc”, hình thành thế trận toàn dân chống dịch.

Mô hình chống dịch “kiểu Việt Nam” được nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả những nước phát triển, có hệ thống y tế hiện đại hơn Việt Nam rất nhiều thừa nhận về tính hiệu quả.

Giai đoạn đầu, đâu đó trong nước và quốc tế vẫn có những tiếng nói lạc lõng cho rằng kiểu chống dịch của Việt Nam là áp đặt, mất nhân quyền, như việc bắt buộc công dân về từ các vùng dịch phải kê khai y tế, bắt buộc cách ly tập trung, phong tỏa, khử trùng bắt buộc những khu dân cư có người nhiễm bệnh Covid-19... Rồi cả chính sách nhà nước miễn phí cho người đi cách ly tập trung cũng bị một số “nhà dân chủ” phản đối... Nhưng vượt lên tất cả, với việc hầu hết các nước trên thế giới đồng loạt áp dụng chính sách phong tỏa, cách ly bắt buộc; nhiều nước cũng áp dụng chính sách nhà nước chi trả cho việc chữa bệnh với người nhiễm Covid-19 và những người được cách ly... thì những giọng điệu lạc nhịp kia ngày càng trở nên đuối nhịp.

Một vài người cố vớt vát rằng, Nhà nước chi trả kinh phí chữa trị, cách ly với công dân Việt Nam thì được, với người nước ngoài và cả những người Việt có tiền thì nên tổ chức khu cách ly theo yêu cầu, có thu phí. Như thế, mới công bằng vì không thể mang tiền thuế của dân đi chữa bệnh cho người nước ngoài và cả những người Việt giàu có. Nhưng họ không biết rằng, một chính sách cấp bách mang tính cưỡng chế cao của “thời chiến” mới có tính hiệu lực mạnh mẽ, nhờ thế, chúng ta mới chống dịch Covid-19 hiệu quả như hiện nay. Còn về việc hình thành các khu cách ly theo yêu cầu thì tất yếu sẽ nảy sinh sự phân biệt giàu - nghèo, sang - hèn; làm phân hóa ngay cả các lực lượng chức năng (thầy thuốc, bảo vệ...). Những người làm nhiệm vụ ở khu cách ly theo yêu cầu có được hưởng nguồn lợi từ việc thu phí hay không? Có hay không đều “lợi bất cập hại”. Và như thế, ý thức về một thế trận “toàn dân chống dịch” sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, việc tổ chức cách ly theo yêu cầu có thu phí cần phải thận trọng, làm điểm, làm thử rồi mới triển khai đại trà. Đó cũng là kinh nghiệm mà nước ta đã rút ra qua nhiều cuộc kháng chiến để bảo vệ nền độc lập, hòa bình, thống nhất.

Mới đây, tờ nhật báo Thế giới trẻ (Junge Welt) của Đức đã có bài viết ca ngợi sự phản ứng nhanh và quyết liệt của Việt Nam trong cuộc chiến ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Bài viết nhấn mạnh: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan ban, ngành và UBND các tỉnh, thành ở Việt Nam phải nhanh chóng xác định và kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây nhiễm. Bên cạnh đó, kể từ ngày 15-3, Việt Nam cũng đã quyết định hạn chế nhập cảnh đối với một số quốc gia, trong khi những người từ nước ngoài trở về đều phải thực hiện quy định cách ly bắt buộc 14 ngày”. Còn anh Lương Trọng Nghĩa - một công dân Việt Nam thường xuyên đi làm ăn ở nước ngoài thì cho rằng:“Đi châu Âu mới thấy không ở đâu chiến lược phòng chống dịch bệnh tốt và yên tâm như ở nước mình, thậm chí chữa bệnh còn miễn phí, người cách ly được chăm sóc chu đáo. Thú thực, khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất là mình cảm thấy cực kỳ an toàn. Những bạn đi về từ vùng dịch bệnh không nên bi quan và hoảng sợ, hãy hợp tác khai báo và cách ly nếu như mình có nguy cơ tiềm ẩn, không chỉ bảo vệ bản thân mà còn bảo vệ gia đình, người thân cũng như toàn xã hội”.

Một hệ thống chính trị vì dân và có hiệu lực mạnh mẽ, người dân có ý thức cộng đồng cao, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước - mô hình chống dịch “kiểu Việt Nam” một lần nữa nâng tầm vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Nguyễn Hồng