Có thể nói, tuy không phải là một ứng cử viên cường quốc khu vực, song Xy-ri đã trở thành trung tâm ở Trung Đông. Từ lâu, Mỹ luôn coi Xy-ri là nước đối địch của Mỹ ở khu vực vì Đa-mát có quan hệ chiến lược và chính trị gần gũi với Mát-xcơ-va và điều quan trọng là sự thù địch không ngừng của Xy-ri đối với I-xra-en. Sự chiếm đóng quân sự của Xy-ri ở Li-băng trong một thời gian dài và gần đây là việc gắn kết chiến lược với I-ran... tất cả sự kết nối này tạo ra thế đối đầu và thù địch trong nhận thức của Mỹ.

Hơn nữa, Nga đã có những đầu tư chiến lược đáng kể ở Xy-ri. Về phương diện quân sự, Xy-ri mang lại vị thế cho Nga ở khu vực thông qua việc tạo thế đứng cho hải quân Nga ở Địa Trung Hải. Gần đây, Nga cũng đã bày tỏ cam kết chiến lược đối với Xy-ri khi các tàu chiến của lực lượng hải quân Nga được phép ghé thăm các căn cứ ở Xy-ri nhằm phát đi tín hiệu Mát-xcơ-va sẽ không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp bằng quân sự của nước ngoài nào chống lại Xy-ri.

Tuy xa cách về địa lý và cũng không có khả năng biểu dương sức mạnh quân sự như Nga, song Trung Quốc có sức mạnh chính trị và kinh tế, có thể làm đối trọng đặc biệt ở Trung Đông bằng cách hợp tác và phối hợp với Nga. Điều này được thể hiện rõ qua việc phủ quyết kép của Nga và Trung Quốc gần đây đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm ép thay đổi chế độ ở Xy-ri.

Còn ở khu vực, ba đối thủ đang chạy đua chức quán quân ưu thế chiến lược trong ván bài quyền lực ở Trung Đông là I-ran, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út. Trong ba đối thủ này thì Thổ Nhĩ Kỳ và I-ran có thể được coi là những đối thủ thực thụ, còn Ả-rập Xê-út, ngoại trừ tiềm năng tài chính, thì không có được các đặc tính của một cường quốc khu vực tính theo cơ sở dân số và lực lượng quốc phòng.

Hiện nay, Xy-ri nghiêng cán cân chiến lược về phía I-ran và đó chính là nguồn gốc rắc rối mà nước này phải đối mặt. Đa-mát đã mang lại cho Tê-hê-ran một sức mạnh chiến lược quan trọng chống lại Ten A-víp. Mặt khác do ảnh hưởng lớn của Xy-ri ở Li-băng cùng với ảnh hưởng của I-ran với lực lượng vũ trang trong Héc-bô-la ở nước này càng làm cho mối đe dọa của I-ran đối với I-xra-en trở nên mạnh mẽ hơn. Xy-ri còn cung cấp cho I-ran đường biển vào Địa Trung Hải. Thêm nữa, do sự thù địch giữa thế giới Ả-rập và I-xra-en vốn là một câu chuyện bất tận trong lịch sử Trung Đông từ năm 1948 đến nay, nên sự liên kết giữa I-ran và Xy-ri đã cho thấy tình đoàn kết Hồi giáo chống lại I-xra-en. Vì vậy, vai trò trung tâm của Xy-ri không hạn chế trong thế giới Ả-rập mà còn mở rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông.

Rõ ràng, Xy-ri đang bị cuốn vào trò chơi quyền lực khu vực và quốc tế chưa từng có ở Trung Đông. Đối với Mỹ và I-xra-en cũng như các nước đang cạnh tranh vai trò cường quốc khu vực với I-ran như Ả-rập Xê-út và Thổ Nhĩ Kỳ, sự cô lập chiến lược khu vực đối với I-ran sẽ không đầy đủ nếu không cắt đứt được quan hệ giữa Xy-ri và I-ran. Song nếu quyết tâm cô lập I-ran thông qua việc cắt đứt quan hệ giữa Xy-ri và I-ran bằng việc thay đổi chế độ Ba-sa An Át-xát, Mỹ sẽ quá mạo hiểm, bởi Xy-ri không phải là một Li-bi để họ có thể tiến hành phiêu lưu quân sự. Hậu quả khó lường nếu chính phủ Át-xát đổ sẽ tạo chỗ đứng cho An Kê-đa, lực lượng khủng bố cũng muốn thay đổi chế độ ở Xy-ri. Chắc chắn, Mỹ không mong muốn điều đó xảy ra.

Có thể nói rằng, mặc dù sự thay đổi thể chế ở Xy-ri sẽ mang lại lợi ích cho cả Mỹ và phương Tây, nhưng trong ván cờ quyền lực thế giới, Xy-ri không phải là một quân cờ chiến lược "vô chủ", vì Xy-ri được cả Nga và Trung Quốc ủng hộ. Hơn nữa, trong bối cảnh cả Mỹ và phương Tây đều phải dành ưu tiên cho các vấn đề sống còn như nợ công, thất nghiệp, bế tắc tại chiến trường Li-bi, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần... việc đơn phương tấn công Xy-ri sẽ là một hành động liều lĩnh, điều mà cả Mỹ lẫn các đồng minh đều chưa thể tiến hành.

Thanh Lâm