Các đòn trừng phạt kinh tế lại được Mỹ tung ra nhưng không chỉ nhằm vào Nga mà cả chính các đồng minh của Washington. Ngày 21-12, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã ký phê chuẩn lệnh trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2". Đối tượng của lệnh trừng phạt là các công ty xây dựng đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Phương Bắc 2" qua lòng biển Baltic và dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ".
Sao Mỹ phải phạt các công ty đang làm ăn với Nga, Đức và các đồng minh châu Âu khác của Mỹ? Số là dự án trị giá 11 tỷ USD này dự kiến tăng gấp đôi lượng khí tự nhiên từ Nga tới Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu và sẽ gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của Nga tại châu Âu.
Nỗi lo của Mỹ về tầm ảnh hưởng của Nga là có cơ sở bởi sau nhiều năm “kỳ phùng địch thủ” Washington đã dùng sức mạnh mọi mặt của mình để bao vây, phong tỏa Nga mà không thành công. Với các dự án đường ống dẫn khí đốt như “Dòng chảy Phương Bắc 2”, “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, “Dòng chảy Phương Nam” thì châu Âu sẽ tiếp cận được nguồn khí đốt giả rẻ và ổn định chứ không chỉ phụ thuộc vào nguồn khí hóa lỏng từ Mỹ.
Mỹ sốt sắng chặn “Dòng chảy phương Bắc 2” cũng bởi “Dòng chảy Phương Bắc 1” đang được vận hành thành công. Dự án “Dòng chảy Phương Bắc” trên đã được Đức và Nga khởi động vào năm 2005. Lượng khí đốt được vận chuyển qua đường ống này tương đương với năng lượng của 11 nhà máy điện hạt nhân. Theo thiết kế, đường ống có chiều dài 1.220km chạy dưới biển Baltic với tổng giá trị đầu tư 8,8 tỉ euro (tương đương 12,5 tỷ USD).
Nga hiện cung cấp 25% lượng tiêu thụ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU), nên việc Moscow tiến hành xây dựng đường ống “Dòng chảy Phương Bắc” nhằm mục đích tránh sự gián đoạn nguồn cung cho các khách hàng Tây Âu, trong bối cảnh thường xuyên xảy ra tranh cãi giữa Nga và một số nước trung chuyển, trong đó có Ukraine.
Với các dự án như “Dòng chảy Phương Bắc”, khí đốt từ Nga sẽ được dẫn đi toàn châu Âu, bảo đảm phát triển kinh tế không chỉ của Nga mà còn của cả châu Âu nữa. Từ mối quan hệ kinh tế sẽ dẫn đến mối quan hệ chính trị nồng ấm hơn và đó chính là điều mà làm Washington phật ý. Bởi vậy, ngay từ khi “Dòng chảy Phương Bắc” đang được bàn thảo đầu những năm 2000, một số chính khách đã ví von rằng chỉ có xe tăng và lính Nga chảy qua đường ống dẫn khí đốt từ Nga tới Đức qua đáy biển Baltic (ngầm hiểu là đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc”). Trong khi đó, một số người khác cho rằng bất kỳ đề án nào mở rộng cung cấp khí đốt đều là nguy cơ đe dọa chính trị.
Bất kỳ nước nào ngoài Nga và châu Âu can thiệp vào dự án “Dòng chảy Phương Bắc” đều không thuyết phục. Hơn ai hết, chính những bên trong cuộc mới hiểu được giá trị của dự án này. Quan hệ kinh tế tốt với Nga sẽ giúp các nước châu Âu giảm bớt nỗi lo an ninh trong khi giải quyết được bài toán năng lượng của mình. Ngược lại, Nga sẽ phát triển kinh tế ổn định hơn khi nguồn khí đốt dồi dào được xuất khẩu đều đặn với số lượng lớn. Bởi vậy, Nga và Đức đã ngay lập tức lên tiếng phản đối quyết định của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga - Maria Zakharova chỉ trích Washington vì đưa ra một "ý thức hệ" làm tổn hại tới môi trường cạnh tranh toàn cầu. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức - Angel Merkel nêu rõ những biện pháp này nhằm vào các công ty Đức và châu Âu và là sự can thiệp vào các vấn đề nội bộ của khu vực này. Trong khi đó, Người phát ngôn của Liên minh châu Âu cho biết Ủy ban châu Âu sẽ đảm bảo dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" vận hành một cách minh bạch, không phân biệt, với mức độ giám sát hợp lý.
Dòng khí đốt trong các dự án giữa Nga và Đức như huyết mạch của nền kinh tế châu Âu nên việc chặn dòng đâu phải cứ thích là được.
Ngọc Hưng