Bên trong một phòng thí nghiệm đang phát triển vắc-xin SARS-CoV-2 của Công ty CureVac tại TP Tuebingen - Đức hôm 12/3.
Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 27/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, việc phát triển một loại vắc-xin chống lại dịch bệnh COVID-19 do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra sẽ cần ít nhất từ 12-18 tháng.
Cũng trong cuộc họp báo, người đứng đầu WHO đã công bố số liệu thống kê cho thấy, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện lên tới hơn nửa triệu người, trong khi số ca tử vong vì dịch bệnh là hơn 20.000 trường hợp. Ông Ghebreyesus cho rằng, đây là những con số “bi thảm”.
Theo nhận định của người đứng đầu WHO thì việc phát triển vắc-xin chống lại COVID-19 sẽ cần tới ít nhất từ 12-18 tháng. Qua đó, WHO kêu gọi các cá nhân và các nước trên thế giới không thử nghiệm các liệu pháp chưa được chứng minh để chống lại dịch bệnh.
Trong khi đó, Trưởng nhóm kỹ thuật Chương trình khẩn cấp của WHO – bà Maria Van Kerkhove cho biết, hầu hết những người trẻ tuổi bị nhiễm COVID-19 đều có những triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, cũng có một số ca nhiễm bệnh đã chuyển biến nặng và tử vong. Theo bà Kerkhove thì ngay cả khi chỉ xuất hiện những triệu chứng nhẹ, những người trẻ tuổi bị nhiễm COVID-19 cũng có thể truyền bệnh cho những người dễ bị tổn thương khác, và những người này có thể bị chuyển biến nặng và tử vong. Từ đó, đại diện này của WHO kêu gọi mọi người cần đóng vai trò trong việc chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh, thông qua các biện pháp như rửa tay và giữ khoảng cách xã hội.
Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã vượt xa ngưỡng nửa triệu người
Số liệu tổng hợp từ website worldometers.info cho thấy tính đến 6h45 ngày 28/3 (giờ Việt Nam), cả thế giới có 594.280 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 27.247 ca tử vong.
Như vậy trong 24 giờ qua, thế giới có thêm 65.003 ca mắc mới và 3.278 ca tử vong. Trong 10 nước có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới tính hết 27/3, Mỹ đứng đầu danh sách với hơn 100.000 ca, tăng hơn 5.000 ca so với 1 ngày trước đó. Với 86.498 ca nhiễm, Italy vượt Trung Quốc (81.340 ca nhiễm), thành nước có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 2 trên thế giới.
Ngày 27/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một động thái ứng phó mạnh mẽ khi ký dự luật kích thích kinh tế có trị giá 2.000 tỷ USD nhằm đối phó với những tác động do đại dịch COVID-19 gây ra sau khi văn kiện này được Hạ viện Mỹ thông qua cùng ngày. Dự luật với tên gọi “Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch COVID-19 và bảo đảm an ninh kinh tế" là gói hỗ trợ khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử của Mỹ nhằm hỗ trợ người dân Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ và các ngành công nghiệp đang phải vật lộn với sự gián đoạn kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.
Anh ngày 27/3 xác nhận Thủ tướng Boris Johnson, Bộ trưởng Y tế Anh Mark Hancock có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2... Thủ tướng Johnson cho biết ông sẽ tự cách ly nhưng vẫn tiếp tục điều hành chính phủ thông qua hình thức trực tuyến. Cũng theo Thủ tướng Johnson, các triệu chứng bệnh của ông là "nhẹ". Hiện người dân Anh được yêu cầu ở nhà trừ khi có công việc khẩn cấp. Các cửa hàng vẫn còn mở cửa sẽ chỉ được giới hạn số lượng khách hàng tiếp đón, trong khi người xếp hàng bên ngoài sẽ phải đứng cách xa nhau 2 mét.
Hiện diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại châu Phi cũng đang rất phức tạp. Ngày 27/3, Giám đốc khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Phi Matshidiso Moeti cảnh báo lục địa Đen phải đối mặt với một sự tiến triển đáng lo ngại của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và yêu cầu các nước trong khu vực tăng cường hành động. Theo thống kê của hãng tin AFP, tổng số ca mắc COVID-19 trên khắp châu Phi trong tuần qua đã lên tới gần 3.500 người và 94 trường hợp tử vong./.
Thu Lan