Phía Nam Gaza ngày 2-12 khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas hết hiệu lực.

Gaza im tiếng súng, những cuộc trao đổi con tin - tù nhân, những cuộc đoàn tụ đầy nước mắt của các gia đình Israel với người thân được thả và niềm hân hoan trên đường phố Bờ Tây khi người Palestine bước đi tự do ra khỏi nhà tù Israel đã khiến những người lạc quan hy vọng sẽ có những động thái tích cực hơn nữa của Israel và Hamas hòng vãn hồi nền hòa bình mong manh ở Trung Đông.

Thế nhưng, mọi hy vọng đã nhanh chóng biến mất khi ngày 2-12 khói lửa lại bao trùm bầu trời phía bắc lãnh thổ Palestine. Khi thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực, Israel ngay lập tức tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu được cho là của Hamas ở Gaza; Hamas cũng đáp trả bằng những loạt tên lửa hướng về lãnh thổ Israel. Vòng xoáy thù hận, bạo lực lại cuộn lên và một thảm họa nhân đạo lớn hơn đang chực chờ thường dân Palestine vô tội.

Đối thoại hiếm hoi giữa Israel và Hamas đã phải nhường chỗ cho súng đạn. Cả hai bên đổ lỗi cho nhau về việc phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn được sự giúp đỡ của Qatar, được cả Ai Cập và Mỹ hậu thuẫn. Ngày 2-12, Israel cho biết: Họ đã rút các nhà đàm phán khỏi Doha sau khi các cuộc đàm phán nhằm đảm bảo sự tạm dừng mới “đi vào ngõ cụt”. Israel cáo buộc Hamas không tuân thủ thỏa thuận khi không trả tự do cho 15 phụ nữ và 2 trẻ em còn lại. Hamas cho biết: Họ từ chối thả một nhóm nữ con tin trong độ tuổi 20-30 do nghi ngờ những người này là quân nhân Israel, tuy nhiên, Israel đã bác bỏ. Theo Văn phòng Thủ tướng Israel, Hamas hiện còn giam giữ 117 con tin là nam giới.

Đáng buồn là ngõ cụt đàm phán lại là khởi đầu của một vòng xoáy bạo lực lâu dài. Trong bài phát biểu tại Tel Aviv ngay khi thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực, Thủ tướng Israel - Benjamin Netanyahu cho biết: Cuộc chiến sẽ tiếp tục “cho đến khi chúng tôi đạt được tất cả các mục tiêu”, bao gồm cả việc loại bỏ phong trào Hồi giáo Hamas. Ông Nentanyahu tuyên bố: “Những người lính của chúng tôi đã chuẩn bị trong những ngày ngừng bắn để giành chiến thắng hoàn toàn trước Hamas”. Theo ông Netanyahu, các mục tiêu của Israel bao gồm: Giải phóng con tin, tiêu diệt Hamas và ngăn ngừa một “chế độ khủng bố” ở Dải Gaza.

Như vậy, theo lời ông Netanyahu, các mục tiêu của Israel tới giờ đã được công bố rõ ràng. Không chỉ để trả đũa hay giải phóng con tin, mục tiêu của Israel còn là tiêu diệt Hamas vì Israel và một số nước liệt Hamas vào nhóm các tổ chức khủng bố. Trước khi có thỏa thuận ngừng bắn với Hamas để trao đổi con tin - tù nhân, Israel đã khuyến cáo dân thường Palestine sơ tán từ phía bắc xuống phía nam Gaza nếu không muốn trở thành mục tiêu của các đợt không kích và chiến dịch trên bộ của Quân đội Israel. Thống kê cho thấy, sau khi các tay súng Hamas vượt qua biên giới quân sự của Gaza vào Israel ngày 7-10, giết chết khoảng 1.200 người, chủ yếu là dân thường và bắt khoảng 240 người Israel và người nước ngoài làm con tin, Israel đã phát động một chiến dịch trên không và trên bộ khiến hơn 15.000 người thiệt mạng, chủ yếu là dân thường. Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đã gọi cảnh chết chóc, hoang tàn ở Bắc Gaza là một thảm họa nhân đạo.

Vòng xoáy thù hận mới lại dâng cao khi lần này Israel đã khuyến cáo người dân Palestine ở Nam Gaza sơ tán sang phía tây để Israel “tiêu diệt Hamas”. Người dân Palestine lại một lần nữa bị Israel “lùa” khỏi nơi sinh sống vốn không yên bình của mình để sang khu vực mà Israel đã “khoanh” tạm thời cho họ. Các cuộc tấn công với lý do tiêu diệt Hamas không biết kéo dài tới khi nào nhưng điều chắc chắn số người Palestine thiệt mạng sẽ ngày càng tăng. Chỉ ngày đầu sau khi thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực, đã có 240 người Palestine thiệt mạng.

Trong khi Israel và Hamas đang quay cuồng trong vòng xoáy bạo lực mới, vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, của các nước lớn, các nước có ảnh hưởng với Israel đều không được thể hiện hoặc thể hiện nhạt nhòa, không đủ sức ngăn chặn thảm họa nhân đạo. Tổng thư ký Liên Hợp quốc bày tỏ “lấy làm tiếc” khi xung đột tái phát chứ bản thân ông cũng không biết làm gì hơn ngoài những lời kêu gọi đã nói trước đó. Mỹ, một mặt nói “ủng hộ giải pháp hai Nhà nước” nhưng vẫn ủng hộ đồng minh Israel. Động thái duy nhất và cũng là lần đầu tiên mà Mỹ đeIsrael là phát biểu đăng trên tờ “Thời báo Washington”ngày 2-12 của Tổng thống Mỹ - Joe Biden cho biết: Các biện pháp trừng phạt (bao gồm cấm thị thực nhập cảnh) có thể áp dụng ngay với dân định cư Israel sống tại vùng Cisjordanie có hành động chống người Palestine. Một biện pháp khó khả thi và cũng chẳng phải là sức ép với chính quyền đương nhiệm của Israel. Trong khi đó, Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron kêu gọi “Tăng cường nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn lâu dài” nhằm giải thoát tất cả con tin, cho phép thêm viện trợ và đảm bảo an ninh cho Israel. Ông không đồng tình với mục tiêu chiến tranh đã nêu của Tel Aviv, đồng thời cảnh báo rằng nếu mục tiêu là “tiêu diệt hoàn toàn Hamas” ở Gaza thì cuộc chiến này sẽ kéo dài 10 năm.

10 năm chỉ là dự báo của ông Macron. Về bản chất, mâu thuẫn tôn giáo, lãnh thổ cùng xung đột giữa Israel và Palestine hay các phong trào của người Palestine chống Israel đã diễn ra hàng thập niên qua. Nếu không có một cơ chế tuân thủ luật pháp quốc tế hay nghị quyết có tính thực thi của Liên Hợp quốc về biên giới Israel-Palestine để hai nhà nước cùng tồn tại, vòng xoáy bạo lực sẽ không dừng lại.

         Thanh Huyền