Những căng thẳng ở quần đảo Senkaku không có người ở (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) cũng ngày càng tăng kể từ tháng 7, khi Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố chính phủ của ông đang cân nhắc việc quốc hữu hóa quần đảo này. Một nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc của Nhật Bản đã tới Senkaku vẫy quốc kỳ khẳng định chủ quyền để “đáp lễ” chuyến thăm quần đảo của các nhà hoạt động xã hội Trung Quốc. Trong khi tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cảnh báo Nhật Bản sẽ phải “trả giá” thì tờ Sankei của Nhật cho biết lực lượng phòng vệ nước này đã có sách lược để đối phó với Trung Quốc tại Senkaku.
Có thể thấy, quá nhiều sự kiện nổ ra xung quanh những hòn đảo nhỏ chưa có người ở, thậm chí còn rất nhỏ và mất dạng trước những con sóng lớn; mà nguyên nhân dễ nhận thấy nhất là nguồn tài nguyên dầu và khí đốt có thể cung cấp lực đẩy quan trọng cho các nền ninh tế và bảo đảm an ninh năng lượng cho các bên tranh chấp; tiềm năng thủy sản từ một ngư trường khổng lồ. Thêm vào đó, những tranh chấp tại khu vực này còn xuất phát từ cấu trúc địa chính trị lâu đời của các quốc gia nghèo tài nguyên. Tất cả cùng gắn với một vùng biển Đông Á, nơi các nước phải cạnh tranh để tiếp cận và kiểm soát các vùng lãnh hải, thay vì các vùng lãnh thổ. Với một Trung Quốc mạnh mẽ và một Nhật Bản hồi sinh; Trung Quốc thì lo ngại các siêu cường, kể cả Mỹ, Nhật có thể ngăn chặn Bắc Kinh trong trường hợp xung đột. Còn Nhật Bản, nước mà sự tồn tại phụ thuộc vào an ninh của các tuyến đường biển cũng như việc tiếp cận các nguồn tài nguyên không sẵn có trong nước, phải tìm cách khẳng định và mở rộng biên giới biển trước Trung Quốc. Tất cả những điều này đều cho thấy một thực tế là khu vực này thiếu vắng một quan điểm chung về quá khứ.
Rõ ràng cả Trung Quốc và Nhật Bản đang đứng trước những thời điểm quan trọng nhạy cảm ở trong nước cần phải có quan điểm cứng rắn, quyết đoán hơn. Cuối năm nay, Trung Quốc sẽ chuyển giao quyền lực chính trị. Thủ tướng Nhật Bản thì đứng trước nguy cơ phải tổ chức bầu cử sớm. Tuy nhiên, với mối quan hệ kinh tế sâu sắc hơn bao giờ hết, cả hai nước đều muốn giữ tình hình không vượt khỏi tầm kiểm soát. Bởi quan hệ kinh tế, giao lưu văn hóa giữa Nhật Bản và Trung Quốc đã được đẩy mạnh trong những năm gần đây với tổng kim ngạch song phương năm 2011 đạt mức kỉ lục 345 tỷ USD.
Lịch sử là điều luôn gây ra tranh cãi, do vậy cuộc tranh chấp những hòn đảo nhỏ không người ở còn kéo dài. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, để giải quyết hòa bình những tranh chấp nói trên, rất cần có thiện chí của các quốc gia trong việc chia sẻ quan điểm về quá khứ. Sau cuộc đàm phán sơ bộ tại Tô-ki-ô vừa qua, Trung Quốc và Nhật Bản đã quyết định khởi động vòng tham vấn mới giữa đại diện Bộ Ngoại giao hai nước. Động thái này được dư luận đánh giá có thể hạ nhiệt mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn ở châu Á thời gian qua. Có như vậy mới giữ được các mối quan hệ song phương rất quan trọng để khu vực châu Á - Thái Bình Dương ổn định và phát triển.
Thanh Lâm