Triều Tiên hôm 29/2 bất ngờ chấp thuận dừng chương trình hạt nhân và các hoạt động thử tên lửa để đổi lấy viện trợ từ Mỹ. Cả Bình Nhưỡng và Washington đều cam kết tăng cường hợp tác để cải thiện quan hệ song phương. Động thái này đã làm dấy lên những hy vọng trong cộng đồng quốc tế về sự thay đổi của Triều Tiên dưới thời chính quyền mới.
Tuy nhiên, những tuyên bố hôm nay của Bộ Tư lệnh quân sự tối cao Triều Tiên về Hàn Quốc đã cho thấy một tín hiệu hoàn toàn trái ngược. Theo AFP, cơ quan này cáo buộc quân đội Hàn Quốc trưng các khẩu hiệu, áp phích bôi nhọ các lãnh đạo hàng đầu của Triều Tiên tại các doanh trại, trường bắn và các cơ sở quân sự khác.
Năm ngoái, Bình Nhưỡng cũng từng đe dọa tương tự khi các binh sĩ dự bị Hàn Quốc bị phát hiện dùng ảnh của gia đình Chủ tịch Kim Jong-il làm bia ngắm bắn. Hàn Quốc sau đó cho hay hành động này đã chấm dứt.
Triều Tiên thề sẽ không bao giờ hợp tác với các lãnh đạo cứng rắn của Hàn Quốc, cáo buộc láng giềng gây ra chiến tranh và từ chối đối thoại. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Yu Woo-Ik hôm qua cho hay cơ quan này vẫn tiếp tục hối thúc phía Triều Tiên nhanh chóng phản hồi về đề xuất đối thoại song phương.
Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-Hwan hôm nay cũng có cuộc gặp với người đồng cấp của Trung Quốc Dương Khiết Trì để thảo luận về Triều Tiên. Trung Quốc, đồng minh thân cận của Triều Tiên, hoan nghênh quyết định về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và cam kết tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực nối lại đàm phán hạt nhân bị trì hoãn cách đây 3 năm.
Sau bước tiến mới đạt được, Mỹ cho hay đặc sứ cao cấp của Triều Tiên Ri Yong-ho sẽ có chuyến thăm hiếm hoi đến một đại học Mỹ vào tuần tới và dự một hội nghị an ninh phi chính thức. Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận Mỹ-Triều Tiên là một dấu hiệu tích cực cho vòng đàm phán 6 bên về giải trừ vũ khí hạt nhân nhưng cũng có nhiều người hoài nghi về khả năng Triều Tiên từ bỏ tham vọng hạt nhân bấy lâu.
Quỳnh Anh (TH)