Đại diện 11 nước nhất trí rằng Hiệp định CPTTP là một hiệp định toàn diện và quy chuẩn cao trên cơ sở cân bằng lợi ích của các nước thành viên có tính đến trình độ phát triển của các nước. CPTPP vẫn giữ nguyên các nội dung của Hiệp định TPP cũ, nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số hạn chế nghĩa vụ của mình. Hiệp định mới sẽ “treo” 20 điều của thỏa thuận TPP ban đầu, trong đó có 10 điều liên quan tới sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, còn 4 điểm được để riêng để các bên đàm phán thống nhất trong thời gian tới.
Việc “đóng băng” hay treo một số điều khoản của thỏa thuận là biện pháp dễ nhất cho các nước vào lúc này để có thể tiếp tục triển khai, trong khi vẫn hy vọng Mỹ có thể trở lại vào tương lai. Đại diện thương mại 11 nước sẽ tiếp tục đàm phán xử lý các vấn đề kỹ thuật còn chưa đạt được sự đồng thuận, cũng như tiến hành công tác rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết hiệp định.
Có thể nói, kết quả đạt được tại T.P Đà Nẵng đã thể hiện nỗ lực rất lớn của 11 nước TPP còn lại, đặc biệt là nước chủ nhà Việt Nam, sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực. Đồng thời cũng là những nỗ lực của các quốc gia trong việc tiếp tục mở cửa và thực hiện hội nhập có hiệu quả với thế giới.
Việt Nam: những việc cần làm ngay
Về quy mô, Hiệp định TPP chiếm 40% GDP, 30% thương mại toàn cầu và có 800 triệu dân trong khi CPTPP chiếm khoảng 15% GDP, 15% tổng thương mại toàn cầu và 500 triệu dân. Vì vậy, theo tính toán của các chuyên gia, với CPTPP gồm 11 nền kinh tế - vắng thị trường cực lớn là Mỹ, Việt Nam không còn được lợi nhiều về mặt con số định lượng. Chẳng hạn, với TPP-11, GDP tăng thêm chỉ đạt 1,32%, trong khi với TPP-12 (có thị trường Mỹ) là 6,7%. Tuy nhiên, CPTPP vẫn có tác dụng tích cực cho tăng trưởng, thương mại và đầu tư của Việt Nam.
Dù CPTPP không có Mỹ có thể khiến một số sức ép giảm đi, nhưng toàn cầu hóa vẫn là xu thế. Trước mắt, chúng ta cần nỗ lực hoàn thành việc đàm phán CPTPP với các điều khoản tốt nhất cho Việt Nam. Chuẩn bị các năng lực thực thi, năng lực cạnh tranh sản phẩm dịch vụ, xây dựng thể chế vượt trội, đặc biệt là triển khai công tác phòng chống tham nhũng triệt để, hiệu quả. Thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ hợp tác phát triển khác, trong đó trọng tâm là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN. Chúng ta cũng cần tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, vì đây là những mối quan hệ mang tính trụ cột, bảo đảm sự cân bằng.
Tóm lại, với CPTPP, cơ hội và thách thức vẫn luôn song hành. CPTPP là một hiệp định thế hệ mới với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi mọi thành viên phải thực hiện cải cách, đổi mới trong quan điểm cũng như pháp lý, thể chế, hành chính.
Đăng Song