Dấu hiệu xoa xịu căng thẳng mới nhất được phát đi cùng ngày với việc chính phủ Nhật quyết định tăng cường ngân sách quốc phòng lần đầu tiên trong một thập kỷ. Ngoài ra, Nhật Bản cũng bố trí sẵn sàng cho đơn vị gồm 10 tàu tuần tra lớn và 600 binh sĩ để giám sát các đảo trên biển Hoa Đông.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á trở nên căng thẳng từ tháng 9 năm ngoái sau khi Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa hòn đảo mà nước này gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Nhật khẳng định việc mua lại những hòn đảo mà họ kiểm soát trên thực tế thuộc công việc hành chính, trong khi Trung Quốc kịch liệt phản đối và cáo buộc Nhật Bản muốn quay lại thời kỳ chiến tranh như hồi đầu thế kỷ trước và đã quên những bài học của lịch sử.
Hàng loạt cuộc biểu tình chống Nhật nổ ra khắp Trung Quốc, tẩy chay hàng hóa Nhật, phá hoại cửa hàng Nhật và gây thiệt hải hàng tỷ USD cho mối quan hệ thương mại mà cả hai nước đều phụ thuộc rất lớn.
Kể từ sau khi chính phủ Nhật quốc hữu hóa các hòn đảo, Trung Quốc cử nhiều tàu đi vào khu vực gần Senkaku/Điếu Ngư, động thái mà các nhà phân tích cho rằng để chứng minh Nhật Bản không thực sự kiểm soát các đảo. Máy bay của Trung Quốc cũng bay vào vùng trời khu vực khiến Nhật Bản phải điều máy bay chiến đấu tới để bảo vệ.
Mới đây, thủ tướng Nhật dường như phát đi những tín hiệu dịu giọng hơn, so với những phát biểu thời kỳ vận động tranh cử và khi mới lên nhậm chức hồi cuối năm ngoái. Ông Abe cử đặc phái viên Natsuo Yamaguchi đến trao bức thư cho Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó "bày tỏ mong muốn thúc đẩy mối quan hệ chiến lược Nhật Bản-Trung Quốc vì lợi ích của cả hai bên", bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.
"Chuyến thăm Trung Quốc của ông Yamaguchi diễn ra trong thời điểm quan hệ Trung-Nhật ở trong một tình huống đặc biệt. Chúng tôi đặc biệt chú trọng chuyến thăm này của ông", ông Tập Cận Bình nói. Ông Yamaguchi thì cho biết "không thể hạnh phúc hơn" về kết quả cuộc gặp.
Các nhà phân tích chỉ ra rằng mặc dù có quan điểm khác biệt về lịch sử nhưng nền kinh tế của hai nước gắn bó chặt chẽ với nhau nên cả hai bên đều không thể để căng thẳng tiếp diễn lâu dài. Một số chuyên gia cảnh báo nếu hai bên không tìm ra cách để hóa giải căng thẳng về lãnh thổ thì chỉ cần một sai lầm nhỏ cũng có thể làm dấy lên xung đột vũ trang, gây bất ổn trong khu vực.
Theo Vnexpress