“Đại gia công nghệ” Facebook với hơn một tỷ người sử dụng, đang chịu sức ép rất lớn của các chính phủ trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Facebook đã chứng tỏ luôn cố gắng để hài lòng các bên nhưng ở thời điểm này câu hỏi lại không dễ trả lời: Bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân hay làm theo ý một số chính phủ?
Trong thời đại công nghệ số, lượng thông tin trao đổi của người dùng qua các ứng dụng như WhatsApp, Messenger, tin nhắn SMS hay thậm chí là các cuộc điện thoại đều được các nhà cung cấp dịch vụ lưu lại và thường chỉ cung cấp cho nhà chức trách theo quy định trong trường hợp cần thiết. Những thông tin này cùng thói quen hay hồ sơ của người sử dụng công nghệ thường cũng được lưu và phân tích để phục vụ cho việc quảng cáo, phát triển nội dung hoặc phục vụ một bên thứ ba. Bên cạnh đó, việc người dùng bị hack tài khoản dẫn đến việc những nội dung tin nhắn của họ bị sử dụng với mục đích xấu khiến Facebook phải nghiên cứu cách bảo vệ họ. Facebook đã có giải pháp bảo mật, một giải pháp tuyệt vời cho người dùng nhưng giới hành pháp ở nhiều nước lại không ưa.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ - William Barr, Bộ trưởng Nội vụ Anh - Priti Patel và Bộ trưởng Nội vụ Australia - Peter Dutton vừa mới yêu cầu mạng xã hội Facebook ngừng triển khai kế hoạch mã hóa đầu - cuối (end-to-end encryption) trong các dịch vụ tin nhắn của mạng này nếu không có cách để các cơ quan luật pháp tiếp cận nội dụng tin nhắn trong trường hợp cần thiết để bảo vệ người dân. Các Bộ trưởng này cùng kêu gọi Facebook và các công ty khác đảm bảo không mã hóa hệ thống tin nhắn quá chuyên biệt để cơ quan hành pháp có thể đọc hoặc sử dụng nội dung khi cần thiết.
Như vậy, rõ ràng Facebook đã có giải pháp công nghệ để bảo vệ người dùng nhưng giới hành pháp cũng có lý trước nguy cơ việc mã hóa có thể tạo điều kiện cho kẻ xấu che đậy âm mưu. Thực ra, ứng dụng WhatsApp của Facebook cũng đã sử dụng công nghệ này nhưng nếu Facebook triển khai ứng dụng việc mã hóa với Messenger và các ứng dụng khác thì nội dung trao đổi của hàng tỉ người dùng sẽ được bảo mật. Việc bảo mật giờ tốt đến nỗi nếu một cơ quan chính phủ nào đó muốn đọc hay sử dụng các thông tin của người dùng thì cũng đành “bó tay”. Hay nói cách khác, các cơ quan hành pháp không thể “xem trộm” nội dung tin nhắn của người sử dụng như trước đây.
Thực tế cho thấy, các nhà mạng như Facebook luôn đề cao việc bảo mật cho người sử dụng để giữ chân khách hàng. Một thực tế đã xảy ra ở Mỹ cho thấy nhà chức trách không thể mở được điện thoại iPhone của một kẻ khủng bố và đã phải dùng mọi cách, kể cả luật pháp, để ép Apple dùng công nghệ của mình để mở khóa. Nếu Apple làm điều này, họ sẽ mất uy tín với khách hàng nhưng nếu không thì họ lại đối mặt với chính phủ. Thực tế hiện nay của Facebook cũng vậy.
Công nghệ mã hóa đang ngày càng phổ biến trong ngành thông tin liên lạc và nhiều ngành kinh tế quan trọng khác. Mọi sự can thiệp có thể làm suy yếu quyền riêng tư và an ninh của mọi người ở khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, khi quyền riêng tư của những người dân thường được bảo vệ trên mạng xã hội thì cũng đồng nghĩa với việc những kẻ xấu có thể sử dụng các mạng xã hội như một công cụ trao đổi thông tin bí mật nhất từ trước tới nay. Facebook lại đứng trước thế khó, làm sao được cả đôi đường khi bảo vệ được thông tin của người dùng và mát lòng giới chức. Quả là một bài toán khó.
Ngọc Hưng