Viêng - Chăn, nước CHDCND Lào. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị. Đây là sự kiện quan trọng nhất của Diễn đàn ASEM với sự tham dự của 48 nguyên thủ và các nhà lãnh đạo chính phủ thành viên ASEM. Với chủ đề “Bạn bè vì hòa bình, đối tác vì thịnh vượng”, hội nghị đánh dấu những bước tiến quan trọng trong tiến trình hợp tác ASEM, khẳng định vai trò và đóng góp ngày càng thiết thực của ASEM vào nỗ lực duy trì hòa bình, tăng cường hợp tác và sự gắn kết giữa hai châu lục quan trọng.

Quan hệ đối tác Á-Âu không ngừng được đẩy mạnh

Diễn đàn ASEM được chính thức thành lập tại Hội nghị cấp cao lần thứ nhất tại thủ đô Băng-cốc, Vương quốc Thái Lan vào tháng 3-1996 với 26 thành viên sáng lập. Ngày nay, ASEM đã trở thành một trong những diễn đàn hợp tác liên khu vực lớn nhất trên thế giới với 48 thành viên ở châu Á và châu Âu, trong đó có 4 ủy viên thường trực của HĐBA LHQ, 12 thành viên của nhóm G20, đại diện cho gần 60% dân số thế giới, đóng góp gần 60% tổng kim ngạch thương mại và khoảng 50% GDP toàn cầu.

Có thể nói, 16 năm hình thành và phát triển của ASEM đã được nâng lên một tầm cao mới. Trước tình hình chung của quốc tế và khu vực và với vị thế của ASEM, nhu cầu gia tăng hợp tác và đối thoại, duy trì hòa bình, an ninh và ổn định tại hai châu lục trở thành ưu tiên quan trọng hơn bao giờ hết tại hội nghị cấp cao lần này. Hòa bình, an ninh và ổn định là động lực, là chìa khóa để ASEM phối hợp tốt hơn trong giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, đặc biệt là giúp châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng nợ công và đẩy nhanh tiến trình phục hồi kinh tế, giúp châu Á duy trì tăng trưởng, sự năng động và liên kết kinh tế đang ngày càng chặt chẽ.

Việt Nam Tiếp tục phát huy vai trò tích cực trong hợp tác ASEM

Diễn đàn ASEM có vị trí ngày càng quan trọng đối với Việt Nam trong quá trình phát triển KTXH và triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Tất cả các đối tác mà Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện đều là các thành viên ASEM. ASEM là khu vực đầu tư trực tiếp và cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam. ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên minh châu Âu... cũng là các đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Do đó, việc tham gia tích cực và chủ động trong ASEM không chỉ góp phần nâng cao vị thế quốc tế của đất nước mà còn tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa các mối quan hệ song phương với các đối tác ở hai châu lục.

Trong suốt 16 năm qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp cụ thể, trong đó nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 5 vào năm 2004 với nhiều dấu ấn mang đậm nét Việt Nam. Việt Nam cũng là chủ nhà của Hội nghị Bộ trưởng kinh tế lần thứ 3 vào năm 2001, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9 và Hội nghị Bộ trưởng giáo dục ASEM lần thứ 2 vào năm 2009 và gần đây nhất là Hội nghị Bộ trưởng lao động ASEM lần thứ 4 diễn ra vào tháng 10-2012. Trong vai trò chủ tịch và chủ trì các hội nghị lớn này, Việt Nam đã đề xuất và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ đối tác kinh tế ASEM chặt chẽ hơn” và “Tuyên bố ASEM về đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”.

Việt Nam cũng là một trong những thành viên tích cực trong việc đề xuất các sáng kiến hợp tác cụ thể. Chúng ta đã chủ trì đề xuất 15 sáng kiến, phối hợp đồng tác giả trong 19 sáng kiến khác về các lĩnh vực, nổi bật là văn hóa, biến đổi khí hậu, lao động, an ninh năng lượng, du lịch, kinh tế... Tại Hội nghị Cấp cao ASEM 9, Việt Nam tiếp tục nỗ lực cùng các thành viên, đề xuất các sáng kiến nhằm đóng góp thiết thực cho thành công của hội nghị, nâng cao vị thế của ASEAN và góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác Á-Âu không ngừng phát triển, sống động, thiết thực và hiệu quả hơn.

Thanh Lâm