Sự kiện này ngay lập tức đã và đang đốt nóng quan hệ hai nước và có cơ lôi kéo cả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên vào cuộc. Mặc dù, Damascus đã đưa ra lời xin lỗi và cho rằng đây là một sự nhầm lẫn nhưng những động thái sau đó đã tạo ra vệt dầu loang nguy hiểm, đẩy căng thẳng giữa quốc gia khu vực Trung Đông này với các nước phương Tây, cũng như cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria đến một giới hạn nguy hiểm mới. Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi NATO triệu tập cuộc họp khẩn cấp để xem xét vụ việc. Đáp lại, NATO cho biết, sẽ họp vào hôm nay (26-6). Trước đó, ngày 24-6, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã lên án Syria vì hành động "không thể chấp nhận" khi bắn hạ máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ; đồng thời cam kết phối hợp với Ankara về một phản ứng phù hợp. Còn từ Ankara, cùng với đề nghị NATO nhóm họp khẩn cấp, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phát đi cảnh báo mạnh mẽ với Syria. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thừa nhận chiếc F-4 đúng là trong một thời gian ngắn có vi phạm không phận Syria; nhưng, 15 phút sau đó nó đã bay trên không phận quốc tế, cách Syria 13 hải lý và ở tọa độ này chiếc tiêm kích đã bị bắn hạ. Theo lịch bay, chiếc tiêm kích F-4 đang thực hiện huấn luyện, kiểm tra hệ thống radar chứ không phải thực hiện nhiệm vụ do thám và không có bất cứ dấu hiệu thù địch nào hướng về Syria và Syria cũng không đưa ra cảnh báo nào trước khi bắn hạ... Trong bối cảnh căng thẳng giữa chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad và các cường quốc phương Tây chưa tìm được giải pháp hữu hiệu thì vụ việc trên có thể nhấn chìm mọi nỗ lực của cộng đồng quốc tế thời gian qua nhằm giúp quốc gia Trung Đông này ổn định tình hình. Có lý do để e ngại đây sẽ là khúc mở màn cho một chiến dịch mới do các thành viên NATO tiến hành nhằm lật đổ chế độ hiện nay ở Syria vốn đang bị Mỹ và phương Tây áp đặt các biện pháp cấm vận. Người ta không phải chờ đợi lâu, chỉ ít giờ sau khi vụ bắn hạ chiếc F-4 xảy ra, ngay trong ngày 22-6, Bộ Ngoại giao Pháp đã kêu gọi binh sĩ Syria đồng loạt đào ngũ. Còn Đại sứ Mỹ tại Syria đã viết thư ngỏ trên mạng xã hội Facebook kêu gọi quân đội Syria chống lại Tổng thống Bashar Al-Assad. Ngày 25-6, Australia đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với Syria. Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến sẽ công bố các biện pháp trừng phạt mới với Damascus tại một cuộc họp các ngoại trưởng EU dự kiến diễn ra cũng trong hôm nay (26-6) tại Luxembourg... Trong khi đó, tình hình tại Syria vẫn không mấy sáng sủa. Riêng trong ngày 24-6, xung đột đã làm ít nhất 34 người thiệt mạng, trong đó có 16 binh sĩ Syria. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR, trụ sở tại Anh), tuần qua là một trong những tuần lễ đẫm máu nhất của cuộc khủng hoảng kéo dài 15 tháng qua tại Syria khi mỗi ngày là một cuộc chiến thực sự với hàng trăm người thiệt mạng. Theo các quan sát viên, kể từ tháng 3-2011 đến nay, bạo lực đẫm máu ở Syria đã cướp đi sinh mạng của khoảng 15.000 người... Tình thế tại Syria đang hết sức khẩn trương và khó có giải pháp hòa bình nào được các bên chấp nhận trong tương lai gần. Trong một diễn biến mới, các nhà ngoại giao Liên hợp quốc tiết lộ, Đặc phái viên chung Liên hợp quốc - Liên đoàn Arab (AL) Kofi Annan đang xúc tiến nỗ lực được cho là cuối cùng nhằm tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Syria. Ông K. Annan muốn Nga - đồng minh lớn nhất của Tổng thống B. A. Assad - và Mỹ - nước kêu gọi nhà lãnh đạo Syria từ chức - phối hợp với các nước khác ủng hộ và thuyết phục ông B. A. Assad bước vào bàn đàm phán. Mục tiêu của kế hoạch nhằm buộc các bên phải chấm dứt ngay bạo lực và bắt tay thực hiện ngay một giải pháp chính trị để chấm dứt khủng hoảng. Vị cựu Tổng Thư ký LHQ dự định công bố kế hoạch mới tại một cuộc họp ở Geneva vào ngày 30-6 tới. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị phủ mờ do vụ F-4 bị bắn hạ. Khó khăn tiếp nối khó khăn đang đẩy cuộc khủng hoảng Syria lún sâu vào bế tắc. Linh Anh (TH)