Từ đầu năm 2011, phong trào “Mùa xuân Arab” từ Bắc Phi đã truyền cảm hứng cho các phong trào biểu tình chống chính quyền “độc tài” tại Syria. Tháng 2 năm đó, cảnh sát Syria bắt và tra tấn một nhóm trẻ em ở TP. Daraa vì tội vẽ tranh tường chống lại Chính phủ. Sự việc khiến người dân phẫn nộ và làm dấy lên làn sóng biểu tình chống lại chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Lực lượng an ninh Syria xả súng vào đoàn biểu tình khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, khơi mào cuộc nội chiến tại quốc gia này. Tháng 6-2011, một nhóm sĩ quan quân đội Syria đào ngũ và thành lập lực lượng quân đội Syria Tự do chống lại quân đội Chính phủ. Tháng 9-2011, một số nhóm đối lập thành lập Hội đồng quốc gia Syria nhằm lật đổ Tổng thống Assad. Sức ảnh hưởng của các nhóm Hồi giáo cực đoan ngày càng tăng trong hàng ngũ phiến quân. Với sự xuất hiện của lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào mùa hè năm 2014, lò lửa chiến tranh ngày một lan rộng (đến nay, đã có 240.000 người tử vong, 5 triệu người phải di tản), các phe nhóm chia nhau chiếm cứ các vùng ở xứ sở của pháo đài cổ với những món ăn ngon nổi tiếng này.
Chia năm xẻ bảy
Khu vực do Chính phủ quản lý tập trung xung quanh thủ đô Damascus và vùng phụ cận, chạy dọc theo bờ Địa Trung Hải và mở rộng tới các thành phố Homs, Hama, Aleppo (đang bị quân IS vây), Daraa, Suayda ở phía Nam. Khu vực này được gọi là phần “Syria cần thiết” nhất thiết phải bảo vệ nếu muốn duy trì chế độ Assad. Tại đây, đối phó với quân nổi dậy là lực lượng chính phủ, dân quân, chiến binh của các tổ chức đồng minh như Hezbollah, người Shiite Iraq, Afghnistan…
Khu vực dưới ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Saudi Arabia nằm ở phía Tây Bắc, gồm tỉnh Idlib và một phần tỉnh Aleppo với một hành lang mở ra biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Hoành hành tại đây là những chiến binh người Turk (gốc Thổ), các nhóm Hồi giáo Thánh chiến như Ahar al-Sham, al-Nusra do al-Qaeda “đẻ” ra hoặc thề trung thành với al-Qaeda; các chiến binh đến từ khu vực Liên Xô trước đây như người Chesnia, Uzbek, Tadjik. Các nhóm này vừa qua đã bị thiệt hại nặng nề và thu hẹp phạm vi kiểm soát trước các đòn phản công của quân Chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn. Chính tại khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ từng nuôi ý định thiết lập một vành đai an ninh/vùng cấm bay trên lãnh thổ Syria dọc biên giới hai nước.
Phía Bắc là khu vực người Kurd, chạy dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, vốn được hưởng cơ chế bán tự trị và do vậy có những mối liên hệ với chính quyền TƯ. Chính lực lượng người Kurd ở đây đã góp phần quan trọng ngăn chặn thành phố Kobane rơi vào tay lực lượng IS hồi năm ngoái. Đây cũng là lực lượng được Hoa Kỳ ủng hộ, nhưng lại bị Ankara cảnh giác vì ngại họ có thể liên kết với đảng Lao động người Kurd (PKK) đang hoạt động li khai bên trong Thổ Nhĩ Kỳ.
Phần lãnh thổ dưới ảnh hưởng của IS bao gồm gần như toàn bộ hoang mạc Syria kéo dài từ phía Đông Aleppo, qua Raqqa tới tận biên giới Iraq. Tại khu vực này, IS kiểm soát phần lớn các giếng dầu và khai thác để bán ra thị trường chợ đen. Chúng còn quản lý cả khu vực đồng bằng dọc sông Euphrate màu mỡ với nền nông nghiệp tương đối phát triển. Giới thủ lĩnh IS ẩn mình tại vùng hỗn loạn mênh mông này và được chính một số bộ lạc người Sunni che chở.
Quả thật, một bộ phận người dân Syria theo dòng Sunni phản kháng chống lại chế độ Assad, tuy nhiên, nội chiến ở Syria thực chất là cuộc chiến ủy nhiệm của các nước phương Tây, sử dụng LLVT đối lập nhằm lật đổ chính quyền Bashar al-Assad, lập nên chính quyền mới thân phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar, chống Nga và Iran. Nếu không có sự ủng hộ của các nước phương Tây thì quân chính phủ Syria đã sớm tiêu diệt toàn bộ phe đối lập chứ không để dẫn đến tình hình “bất phân thắng bại” như vừa qua. Trong bối cảnh đó, việc Nga can dự quân sự vào Syria có thể xem như là phương thức “lấy chiến tranh để thúc đẩy hòa bình”-tạo điều kiện phá vỡ cục diện đối đầu quân sự giữa các phe phái Syria, buộc các nước phương Tây trực tiếp đối diện với phương án giải quyết cuộc khủng hoảng do Nga đề ra.
Nguyễn Đăng Song