Năm APEC nâng tầm vị thế Việt Nam
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 kết thúc với việc ra Tuyên bố Đà Nẵng, khép lại Năm APEC Việt Nam 2017 đầy sôi động và mang lại những kết quả thiết thực cho tiến trình hợp tác khu vực. Trên cương vị chủ nhà hội nghị, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò đề xuất các sáng kiến và điều phối các cuộc thảo luận.
Chủ đề được chọn cho Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các nền kinh tế thành viên. Việc cụ thể hóa chủ đề đó thông qua những đồng thuận trong chính sách hay các giải pháp về kết nối cộng đồng doanh nghiệp… chính là kết quả thực chất nhất của APEC năm nay.
Năm APEC 2017 diễn ra với hơn 200 hội nghị, sự kiện được tổ chức ở 10 địa phương trên cả nước trong suốt cả năm và đặc biệt là lịch trình dày đặc tại Tuần lễ Cấp cao ở Đà Nẵng. Lần thứ 2 đăng cai tổ chức APEC, Việt Nam đã thể hiện được sự chủ động trong mọi công việc, nhờ đó, đây thực sự là diễn đàn để các nền kinh tế thành viên thảo luận thẳng thắn kết quả hợp tác và định hướng cho liên kết APEC những năm tiếp theo.
Năm APEC thực sự nâng tầm vị thế Việt Nam.
Những cuộc hội kiến mở tương lai
Cũng trong dịp này, ngoài hàng chục cuộc tiếp kiến, gặp mặt lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC và nhiều vị khách mời trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC, Việt Nam đã đón tiếp trọng thị 4 Thủ tướng, nguyên thủ quốc gia đến thăm chính thức.
Lần đầu tiên ông Justin Trudeau thăm Việt Nam trên cương vị Thủ tướng Canada. Ông cũng là Thủ tướng Canada thứ hai thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ năm 1973. Hai bên đã ra tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Canada. Sự kiện này đánh dấu việc Việt Nam hoàn tất thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác với tất cả các nước G7.
Chuyến thăm của Tổng thống Chile - Michelle Bachelet làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế- thương mại, văn hoá, khoa học- công nghệ và du lịch. Chile hiện là một trong bốn quốc gia ở khu vực Mỹ Latinh có trao đổi thương mại song phương với Việt Nam đạt trên 1 tỷ USD/năm.
Tổng thống Hoa Kỳ - Donald Trump thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam ngay trong năm cầm quyền đầu tiên, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Việt Nam. Hai bên tái khẳng định cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau; đạt được các thỏa thuận thương mại mới trị giá hơn 12 tỷ USD.
Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên đi thăm sau khi được bầu lại làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện Trung Quốc coi trọng cao độ việc phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Việt Nam. Đây cũng là lần thứ hai trong vòng một năm, lãnh đạo cấp cao nhất hai nước cùng thăm chính thức song phương, thể hiện tầm cao trong quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Hai bên nhất trí phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, tích cực giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc không ngừng phát triển ổn định, bền vững.
Trong dịp này, hai bên đã ký kết và trao 19 văn kiện hợp tác.
Góp phần thắt chặt đoàn kết ASEAN
Từ ngày 12 đến 14-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các hội nghị cấp cao liên quan, tại Manila, Philippines. Đây là sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và các đối tác quan trọng của ASEAN.
Thủ tướng tham dự các hội nghị cấp cao lần này nhằm góp phần thắt chặt đoàn kết ASEAN, phát huy vai trò trung tâm của Hiệp hội, đồng thời nâng cao hình ảnh Việt Nam tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm vào hợp tác khu vực, từ đó bảo vệ hiệu quả các lợi ích của Việt Nam.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN tập trung thảo luận về phương hướng và biện pháp tăng cường liên kết, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Từ đó, truyền đi thông điệp về một ASEAN hòa bình, ổn định và tự cường; một khu vực rộng mở với bên ngoài trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu. Các nhà lãnh đạo thông qua 55 văn kiện thuộc nhiều lĩnh vực quan trọng như kinh tế số, cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư, phát triển bền vững, môi trường, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, chống khủng bố và bạo lực cực đoan...
Kiên định mục tiêu vì lợi ích quốc gia, dân tộc; trên cơ sở thế và lực của đất nước từng bước được nâng cao, các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc.
Đăng Song