Cuộc biểu tình đầu tiên nổ ra ngày 17-9-2011 tại Công viên Du-cô-ti, trung tâm tài chính TP Niu Y-oóc, sau đó nhanh chóng lan rộng khắp các thành phố lớn của Mỹ và nhiều thành phố trên thế giới. Từ nhóm biểu tình ít người, phong trào đã phát triển mạnh mẽ với sự ủng hộ của các tổ chức công đoàn và chính trị. Mục đích là phản đối các chính sách ưu đãi thuế cho người giàu có từ thời Tổng thống G.Bu-sơ, các đạo luật bất công mang lại lợi ích cho thiểu số người giàu. Khẩu hiệu “Chúng tôi là 99%” của phong trào đã trở thành “thuật ngữ chính trị mới” ở Mỹ. Những người biểu tình tự nhận mình thuộc nhóm chiếm 99% dân số Mỹ bị bóc lột và ngày càng bần cùng hóa, và họ muốn lấy lại sự công bằng so với nhóm chiếm 1% là những người siêu giàu.

Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và các đồng sự của ông trong đảng Dân chủ cầm quyền coi đó là sự phản ánh “nỗi thất vọng” trong tâm can của nhiều người dân Mỹ. Tuy nhiên, đây không chỉ đơn giản là “nỗi thất vọng” mà bản chất của nó nằm ở những khuyết tật cố hữu của xã hội tư sản - mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản.

Vừa qua, hơn 200 người biểu tình thuộc phong trào “Chiếm phố Uôn” ở Mỹ tập hợp tại công viên Du-cô-ti ở TP Niu Y-oóc, để kỷ niệm sáu tháng ngày khởi đầu phong trào. Họ tuyên bố đây là "phát súng mở màn" cho hàng loạt hoạt động tiếp theo chống lại sự bất bình đẳng kinh tế ở Mỹ. Đoàn người biểu tình phong trào “Chiếm phố Uôn” diễu hành qua các khu phố, hô vang các khẩu hiệu phản đối giới chủ ngân hàng. Trong khẩu hiệu lan truyền trên mạng xã hội Twitter, họ tuyên bố rằng, sáu tháng đầu tiên là nhằm thay đổi quốc gia, sáu tháng tiếp sau sẽ thay đổi thế giới. Phong trào "Chiếm phố Uôn" đã thành công trong việc đưa vấn đề bất công, chênh lệch giàu nghèo quá lớn tại Mỹ vào các cuộc thảo luận trong phạm vi quốc gia và thế giới. Chỉ chưa đầy một năm trước, nghịch lý này không được ai quan tâm thảo luận..

Giới quan sát nhận định, cuộc biểu tình lần này mang tính bột phát, không có đường lối cụ thể và sắp tới phong trào "Chiếm phố Uôn" sẽ gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn tài chính. Tuy nhiên, các lãnh đạo nhóm biểu tình lập một tổ chức lấy tên là Nhóm soạn thảo tuyên ngôn của thành phần 99% và lên kế hoạch tổ chức Đại hội của phong trào đúng dịp Quốc khánh Mỹ, ngày 4-7 tới. Dự kiến, có hơn 870 đại biểu phong trào dự đại hội, được tổ chức tại thành phố Phi-la-đen-phi-a, nơi Tuyên ngôn độc lập của Mỹ ra đời năm 1776. Các đại biểu sẽ thảo luận và thông qua bản tuyên ngôn mang tên “Sửa chữa bất công”, yêu cầu chính quyền sửa đổi một số chính sách, nhất là thuế. Những kiến nghị được thông qua tại đại hội sẽ được chuyển tới Nhà trắng, hai viện Quốc hội cũng như Tòa án tối cao Mỹ.

Phong trào tập trung cho kế hoạch các sự kiện được tổ chức nhân ngày Quốc tế lao động 1-5. Các nhà tổ chức hy vọng, đây sẽ là cơ hội để người lao động bày tỏ sự bất bình về sự thiếu bình đẳng trong xã hội Mỹ, khi tham gia cuộc tổng đình công trên phạm vi cả nước.

Tuấn Minh