Ngoại trưởng Philippines, Albert del Rosario đã triệu đại sứ Trung Quốc tại Manila, Mã Khắc Thanh, để đưa ra lời phản đối chính thức. Ông Del Rosario nêu rõ rằng Philippines sẽ tự vệ nếu bị khiêu khích. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines tỏ ý muốn vấn đề được giải quyết qua con đường ngoại giao.
Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng nước này có quyền chủ quyền đối với khu vực xảy ra sự việc, đồng thời yêu cầu tàu chiến của Philippines rời đi
Sự việc bắt đầu hôm 8/4 khi một phi cơ tuần tra của Philippines phát hiện 8 tàu cá Trung Quốc thả neo tại một vũng ven bãi cạn Scarborough, cách bờ tây đảo lớn Luzon khoảng 124 hải lý, hải quân Philippines cho hay. Soái hạm BRP Gregorio del Pilar của Philippines ngay lập tức được điều tới khu vực này.
Các thủy thủ Philippines hôm 10/4 đã lên các tàu cá của Trung Quốc để kiểm tra. Họ tìm thấy một số lượng lớn san hô, sò và cá mập còn sống. Ngoại trưởng Philippines cho hay các ngư dân Trung Quốc đã đánh bắt trái phép và giữ các loài vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Các thủy thủ Philippines không bắt giữ ngư dân nào và sau đó trở lại chiến hạm BRP Gregorio del Pilar.
Sau đó, hai tàu hải giám của Trung Quốc (Haijian 75 và Haijian 84) đã xuất hiện, thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines cho hay. Các tàu hải giám này di chuyển vào vị trí giữa soái hạm Gregorio del Pilar và các tàu cá Trung Quốc, nhằm ngăn chặn việc bắt giữ ngư dân. Tình trạng so kè này vẫn chưa có thêm diễn biến mới nào.
Vụ việc kể trên là sự kiện mới nhất trong chuỗi các căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc xoay quanh tranh chấp chủ quyền tại một số khu vực trên Biển Đông. Đây là vùng biển được cho là có trữ lượng khí đốt và dầu mỏ lớn.
Trên Biển Đông hiện nay, quần đảo Trường Sa cũng đang là tâm điểm tranh chấp chủ quyền giữa các bên gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Brunei.
Quỳnh Anh (TH)