Trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy ngày càng mạnh về kinh tế và quân sự, đặc biệt là quân lực trên biển, nơi đang có tranh chấp với Nhật, Tokyo đã thầm lặng liên kết với các đối tác láng giềng. Nhật lần đầu tiên vượt rào kể từ sau Thế chiến II, cung cấp viện trợ quân sự cho nước ngoài, chuẩn y một gói viện trợ trị giá 2 triệu USD cho lực lượng công binh sang huấn luyện lính của Campuchia và Đông Timor về cứu nạn thiên tai và các kỹ năng khác như xây dựng đường sá.
Tàu chiến của Nhật Bản không chỉ tham gia các cuộc tập trận chung với quân đội của nhiều nước trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, mà còn bắt đầu đến thăm cảng của các nước vốn lâu nay lo sợ sự hồi sinh về quân sự của Nhật Bản.
Sau khi đẩy mạnh các chương trình viện trợ dân sự để huấn luyện và trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia khác, các quan chức quốc phòng và các nhà phân tích Nhật Bản dự báo rằng nước này sẽ sớm tiến đến một mốc mới: bán các trang thiết bị quân sự như thủy phi cơ, hoặc có thể cả những chiếc tàu ngầm tàng hình chạy bằng dầu diesel thích hợp với các vùng biển cạn nơi mà Trung Quốc đang gia tăng đòi chủ quyền lãnh thổ.
Tất cả các động thái trên, tuy còn khiêm tốn, nhưng chứng tỏ một sự thay đổi ở Nhật Bản. Nước này từng bác bỏ những lời kêu gọi liên tiếp của Mỹ về việc trở thành một cường quốc thực thụ ở khu vực, vì lo ngại rằng làm như vậy sẽ đi quá xa so với chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến mà Nhật đã xác định cho mình.
Động lực làm Nhật Bản thay đổi chiến lược an ninh quốc gia chính là cuộc tranh chấp căng thẳng với Trung Quốc về những hòn đảo không người trên biển Hoa Đông. Cuộc tranh chấp này làm gia tăng mối quan ngại của người Nhật rằng sự yếu kém của mình, và các cuộc đấu đá về tài chính của nước bảo trợ là Mỹ, đang làm cho Nhật ngày càng dễ bị tổn thương.
Những động thái này của Nhật Bản hoàn toàn không có nghĩa là Nhật có thể sẽ chuyển hóa quân đội, vốn đang hoàn toàn đóng vai trò phòng vệ, để sớm thành một lực lượng tấn công. Công chúng Nhật trong quá khứ từng chống lại nỗ lực của một số chính khách muốn sửa đổi hiến pháp hòa bình, và món nợ khổng lồ của đất nước sẽ hạn chế số lượng viện trợ quân sự của Nhật Bản cho nước ngoài.
Các nhà lãnh đạo Nhật Bản đã kiên quyết đối đầu với thách thức từ Trung Quốc tại các đảo người Nhật gọi là Senkaku còn người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy lập trường này được dư luận ngày càng ủng hộ. Cả hai chính đảng lớn đang công khai nói về việc diễn giải linh hoạt hiến pháp, theo đó sẽ cho phép Nhật Bản được phép bảo vệ các nước đồng minh - chẳng hạn như bắn hạ bất kỳ tên lửa nào của Triều Tiên nhằm vào Mỹ - và như vậy sẽ xóa nhòa ranh giới giữa quân đội tiến công và phòng vệ.
Quỳnh Anh (TH)