Hiện tại CBCC đang hưởng mức lương tối thiểu (LTT) là 1.150.000 đồng, nhưng theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng thì vẫn quá thấp. Cụ thể, mức LTT hiện tại chỉ bằng 75% vùng IV (vùng thấp nhất của khu vực doanh nghiệp), đạt 37,5% nhu cầu tối thiểu (nếu tính cả 25% phụ cấp công vụ thì đạt 46,9% nhu cầu tối thiểu). Mức LTT thấp dẫn đến các mức lương trong ngạch, bậc lương thấp theo (tính cả 25% phụ cấp công vụ từ tháng 5-2012 thì tốt nghiệp đại học khoảng 3 triệu đồng/tháng, bộ trưởng khoảng 13 triệu đồng/tháng), thấp hơn nhiều so với khu vực. Như vậy, cuộc sống của CBCC thật vô cùng khó khăn mà họ phải đối mặt hằng ngày với bao nhiêu thứ cần chi tiêu như: Nhà ở, ăn uống, nuôi con, đi lại… Và đến tuổi nghỉ hưu thì cuộc sống càng nhọc nhằn hơn khi chỉ còn được hưởng 75% số tiền lương “chết đói” ấy.
Từ năm 2001 tới nay, LTT đã 8 lần được nâng lên, nhưng mỗi lần tăng lương ấy thì giá cả sinh hoạt trên thị trường cũng kịp thời tăng theo, khiến lương danh nghĩa tăng mà lương thực tế của CBCC lại giảm. Theo nghiên cứu của Viện Các vấn đề phát triển (VIDS), thực tế tiền lương của CBCC nước ta vẫn ở mức thấp (thấp hơn các nước trên thế giới 40%). Tuy nhiên, một nghịch lý là mỗi năm lại có đến hàng vạn sinh viên ra trường làm đơn xin thi vào các cơ quan Nhà nước. Việc thi tuyển này cũng rất dễ phát sinh tiêu cực. Bởi vì người tài thi chưa chắc đã đỗ với lý do “phỏng vấn không đạt”; để nhường chỗ cho người học kém mà có nhiều tiền hay mối quan hệ thân quen… Họ tìm mọi cách chạy chọt, đút lót tới vài trăm triệu đồng để được vào làm việc ở nơi có “đồng lương chết đói”. Và khi CBCC đến tuổi, nhiều người vẫn không muốn nghỉ hưu, vì họ bị hẫng hụt, mất đi nhiều quyền lợi… Vậy “quyền lợi” ở đây là gì? Đó là thu nhập ngoài lương.
Nếu một CBCC không muốn sống khổ, không phải “chết đói” vì đồng lương thì đành chọn cách “chân ngoài dài hơn chân trong”. Nghĩa là phần lớn thời gian dành cho công việc ngoài cơ quan để đi buôn bán, kinh doanh hay làm thêm… Bác sĩ có thể mở phòng khám, chữa bệnh ngoài giờ; thầy giáo có thể dạy thêm hay một CBCC có duyên với việc mua bán bất động sản cũng kiếm tiền gấp nhiều lần so với lương…
Tình trạng lương thấp, không đủ sống ở nước ta tồn tại nhiều năm nay đã dẫn đến hiệu lực, hiệu quả công vụ của CBCC không cao và là nguyên nhân chính của tham nhũng mà tác hại lớn nhất của nó đã làm cho người dân và doanh nghiệp mất lòng tin vào Nhà nước. Trong khi đó những tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài có mức lương cao hơn nhiều so với lương của CBCC sẽ là lực hút người tài-“chảy máu chất xám” trong cơ quan nhà nước. Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Đoàn Cường cho rằng: Trong nền kinh tế thị trường, lương CBCC phải đặt trong mối tương quan với mặt bằng thu nhập của thị trường. Nếu không thỏa mãn quan hệ này mà tiền lương quá thấp thì sẽ xảy ra hội chứng “tước đoạt để bù đắp” trong thực thi công vụ, dẫn đến tiêu cực, tham nhũng.
Tình trạng CBCC ăn bớt thời gian, không đảm bảo 8 giờ làm việc tại công sở đã diễn ra khá phổ biến ở tất cả các cấp, các ngành trong bộ máy nhà nước hiện nay. Do đó, tiền lương của CBCC thấp là so với nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, nhưng lại rất cao so với hiệu quả lao động thực tế của họ. Theo tiến sĩ Dương Quang Tung-nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức Nhà nước, thực tế hiện nay đa số CBCC làm việc kém hiệu quả, chỉ khoảng 30% làm việc tương đối tốt. Do vậy, vấn đề đặt ra ở đây là việc tăng lương không thể cho cả những người làm việc kém hiệu quả, hoặc không làm việc hiện đang tồn tại ở nhiều cơ quan công quyền.
Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà-nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính-Sự nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết: Có nhiều nguyên nhân khiến cải cách tiền lương chưa có bước đột phá, trong khi số lượng CBCC tăng hơn 2 lần làm quỹ tiền lương tăng nhanh (chiếm hơn 30% tổng chi ngân sách và gần 60% chi thường xuyên của ngân sách nhà nước). Do đó không thể tăng ngân sách vô hạn để chi cho tiền lương mà cần phải giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng-nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, CBCC hiện không đáp ứng được nhu cầu công việc đang chiếm một tỷ lệ quá lớn. Nhà nước cần mạnh dạn thanh lọc, đào thải để cải thiện tiền lương.
Chính sách tiền lương hiện hành cho thấy, có sự bất cập khi thực hiện 2 loại LTT khác nhau ở khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp, tạo sự phân chia nhu cầu sống tối thiểu của người lao động khác với CBCC là chưa phù hợp.
Theo Bộ LĐTBXH, về cơ bản bước đầu đã hình thành được hệ thống LTT theo cơ chế thị trường, hướng đến mức lương tối thiểu chung cho toàn xã hội. Bà Trương Thị Mai-Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Tiền lương sẽ được điều chỉnh theo quan điểm của Đại hội Đảng lần thứ XI, đó là tiền lương phải được xem là giá cả của sức lao động hình thành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Mục tiêu của cải cách tiền lương là phải bảo đảm cho người lao động có thể đạt được mức sống bằng tiền LTT. Đây cũng là một trong những nguyên tắc xây dựng mức LTT mà Tổ chức lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị. Đối với bộ máy nhà nước, đó là việc sắp xếp theo mô hình vị trí việc làm, đổi mới cơ chế tự chủ trong khu vực dịch vụ công và tạo nguồn để đảm bảo chi trả lương phù hợp với chất lượng, hiệu quả từng công việc. Chỉ có như thế mới từng bước khắc phục được nghịch lý trên.
NHC