Các điểm nóng chưa hạ nhiệt

Cuộc khủng hoảng tại Xy-ri đã kéo dài 22 tháng qua vẫn chưa có khả năng kết thúc vì các bên không tìm được tiếng nói chung. NATO lại đang triển khai tên lửa Patriot tại Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập gia tăng sức ép lên chính quyền của Tổng thống Ba-sa An Át-xát, khiến cho tình hình ngày càng thêm căng thẳng. Cuộc khủng hoảng kéo dài khiến cho hơn 20.000 người thiệt mạng đã đến lúc phải kết thúc. Tuy nhiên, khi tương quan lực lượng giữa các bên trong nước chưa ngã ngũ; các thế lực bên ngoài cũng chưa đủ yếu tố để cân bằng lợi ích tại Xy-ri và khu vực sau khủng hoảng. Vì vậy, cộng đồng quốc tế vẫn quan ngại sâu sắc về “điểm nóng” sẽ tiếp tục kéo dài gây mất an ninh khu vực và toàn cầu.

Vấn đề hạt nhân I-ran tuy có dấu hiệu tiến bộ, nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết. Năm 2012, Mỹ và hơn 20 quốc gia tập trận hải quân quy mô lớn chưa từng thấy tại vùng Vịnh, với mục tiêu tạo áp lực với I-ran. Gần đây, I-ran lại công bố thêm các tiến bộ về kỹ thuật hạt nhân và bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ khiến cho tình hình khó lắng dịu.

Quan hệ I-xra-en và Pa-le-xtin càng thêm căng thẳng, nhất là sau khi Pa-le-xtin trở thành nhà nước quan sát viên LHQ thì căng thẳng giữa I-ra-en và Dải Ga-da tiếp tục leo thang. Tổng thư ký Liên đoàn Ả-rập đã kêu gọi các nước Ả-rập xem xét lại kế hoạch hòa bình với Ten A-víp cũng như toàn bộ lập trường về tiến trình hòa bình khu vực.

Bóng đen khủng bố vẫn ám ảnh châu Phi. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-mun đã phải cung cấp các chuyên gia về kế hoạch an ninh để giúp khối ECOWAS của Tây Phi và Liên hiệp châu Phi tổ chức lực lượng. Vấn đề Triều Tiên cũng trở nên phức tạp hơn, sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo thành công, bất chấp sự cảnh báo của LHQ và dư luận quốc tế, khiến cho tiến trình đàm phán 6 bên có thể bị gián đoạn.

Tại biển Hoa Đông, căng thẳng Trung-Nhật về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku cũng đã lên đến đỉnh điểm vào hồi tháng 10 vừa qua. Giới phân tích cho rằng, câu trả lời đơn giản nhất là dầu thô và khí đốt. Quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng trở nên căng thẳng sau khi Xơ-un bắt đầu dùng tên mới cho hai đỉnh núi thuộc quần đảo Dokdo/Takeshima đang có tranh chấp với Nhật Bản trong các bản đồ, sách giáo khoa và các cổng thông tin điện tử kể từ ngày 29-10, khiến cho Nhật Bản đã phản ứng quyết liệt và đe dọa sẽ đưa vụ việc này ra toàn án quốc tế.

Với tiềm năng trữ lượng dầu và khí đốt, Biển Đông cũng đã trở thành vùng tranh chấp quốc tế. Một số quốc gia lân cận đang tuyên bố chủ quyền một số hải đảo trong khu vực giàu năng lượng này, có nước còn đòi chủ quyền gần như toàn bộ khu vực, và đe dọa sử dụng các biện pháp quân sự để xác định chủ quyền của mình mà không tính đến luật pháp quốc tế.

Tiềm tàng cuộc chiến địa-năng lượng

Ngay từ những ngày đầu năm 2012, năng lượng và xung đột đã gắn chặt với nhau, đem lại tầm quan trọng ngày càng gia tăng cho những vùng địa - năng lượng trong một thế giới mà tài nguyên then chốt ngày một cạn dần. Những điểm nóng ở Trung Đông, Bắc Phi, vùng Biển Đông, Hoa Đông… đều liên quan đến vấn đề địa-năng lượng. Eo biển Ho-mút đã làm rung chuyển các thị trường năng lượng khi năm mới 2012 bắt đầu. Bởi vì Ho-mút có thể có một ý nghĩa chiến lược lớn hơn bất cứ eo biển nào khác trên hành tinh.

Trong kỷ nguyên địa-năng lượng mới, eo biển Ho-mút gắn với Trung Đông-Bắc Phi; eo biển Ma-lác-ca gắn với Biển Đông và Hoa Đông cùng với vùng lòng chảo Ca-xpiên không hề đứng riêng lẻ và tạo nên những điểm nóng tiềm tàng, ngay cả vùng Bắc Cực xa xôi với hiện tượng nóng lên toàn cầu và các tài nguyên năng lượng dần hé mở, nhiều quốc gia cũng đã và đang gia tăng hoạt động khiến nguy cơ tranh chấp tăng lên rõ rệt.

Đấu tranh chiến lược giữa các cường quốc ngày càng quyết liệt hơn

Mỹ tiếp tục thực thi chiến lược “Đại Trung Đông mới”, tăng cường trở lại châu Á-Thái Bình Dương, xác định: “Hệ thống căn cứ quân sự trên toàn cầu của Mỹ là công cụ quan trọng hàng đầu, biểu tượng cho sự thống trị của Mỹ trên thế giới…, qua đó giúp Mỹ duy trì vai trò lãnh đạo trên thế giới”.

Với sức mạnh của quốc gia mới nổi, Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng ra nhiều khu vực của thế giới, tăng cường tiềm lực quân sự, cạnh tranh vị thế trong cấu trúc an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nga tiếp tục khôi phục vị thế quốc tế, phản ứng quyết liệt với hệ thống NMD của Mỹ và NATO tại châu Âu, bảo vệ lợi ích của Nga tại Trung Đông và xác định chính sách “ưu tiên khu vực” châu Á-Thái Bình Dương. EU triển khai chính sách can dự “sức mạnh mềm” vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm cạnh tranh ảnh hưởng và khẳng định vị thế tại khu vực.

Từ thực trạng năm 2012, năm 2013 thế giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, có thể mở rộng thêm các “điểm nóng”, nhất là khu vực Trung Đông và Đông Bắc Á; cuộc đấu tranh chiến lược giữa các nước tiếp tục diễn ra quyết liệt hơn; nguy cơ mất an ninh-quân sự toàn cầu vẫn tiềm tàng. Vì thế, năm 2013 vẫn cần sự đồng thuận và trách nhiệm cao của tất cả các nước, nhất là các nước lớn và phát triển.

Nguyễn Nhâm