Ảnh chụp cận cảnh xác ướp vua Tutankhamun.
Bước sang thế kỷ XIX, các nhà khảo cổ châu Âu mới bắt đầu hứng thú với công việc khai quật lăng mộ cổ và khám phá các ngóc ngách trong lăng mộ cổ ở Ai Cập, với hy vọng có thể tìm thấy các tài liệu giúp dẫn tới những kho báu khổng lồ, được chôn cùng các Pharaoh (vua Ai Cập). Tuy nhiên, hầu hết họ bị thất vọng vì vẫn không tìm được vàng, bạc như đồn đại trong các lăng mộ đã được khai quật.
Riêng một người Anh có tên Howard Carter thì vẫn tin rằng có ít nhất một lăng mộ Pharaoh chưa ai đụng tới được - nó thuộc về Vua Tutankhamun - một vị vua đầy bí ẩn trong lịch sử Ai Cập.
Năm 1891, ông quyết định đến Ai Cập để tìm tung tích ngôi mộ này nhờ có được một nhà tài trợ - Bá tước Carnarvon giàu có. Nhưng tiếc thay đến năm thứ 5 tìm kiếm mà vẫn chẳng thấy gì!
Năm 1922, Carnarvon gọi Carter về Anh để nói rằng mình thất vọng vì “cuộc tài trợ vô ích” và yêu cầu Carter bỏ cuộc tìm kiếm.
Carter đã cố gắng thuyết phục Carnarvon ủng hộ ông thêm một mùa tìm kiếm nữa.
Bá tước đồng ý, ông trở lại Ai Cập cùng một con chim hoàng yến với hy vọng về giác quan thứ sáu của loài chim này sẽ tìm tới được nơi xác ướp của vua Tutankhamun.
“Một con chim vàng” - Reis Ahmed - thành viên trong đội tìm kiếm của Carter tuyên bố - “Nó sẽ dẫn chúng ta tới lăng mộ”. Và rồi điều kì diệu đã xảy ra, khi con chim đã mang tới vận may tìm được lăng mộ giúp cuộc tìm kiếm thành công.
Vào ngày 4-11-1922, công nhân của Carter đã phát hiện các bậc thang đào sâu trong lòng đất. Những bậc thang này đã bị ai đó dùng đất đá lấp đầy. Sau khi đào xuống, họ tìm thấy 15 bậc thang nữa mới dẫn tới một cánh cửa cổ đại vẫn bị niêm phong kín. Trên cửa đề tên Tutankhamun.
Nhưng đó cũng là lúc dấu hiệu tai họa bắt đầu xuất hiện. Khi Carter về nhà đêm đó, người giúp việc gặp ông ở cửa, nhìn thấy trong tay Carter là một nhúm lông màu vàng của con chim hoàng yến và được Carter kể lại rằng con chim hoàng yến đã bị rắn hổ mang cắn chết.
Người giúp việc sợ hãi thốt lên: “Con rắn thần của Pharaoh đã ăn thịt con chim, vì con chim dẫn chúng ta tới lăng mộ! Ông không được làm kinh động tới lăng mộ nữa – Làm thế là phạm vào lời nguyền của Vua Tutankhamun!”
Không tin vào câu nói mà ông cho là nhảm nhí đó, Carter quyết định đuổi người giúp việc về nước và lập tức gửi điện tín tới Bá tước Carnarvon, mời ngài tới Ai Cập để chứng kiến thành quả cho cuộc đầu tư tốn kém của ông.
Carnarvon đến nơi vào ngày 26-11-1922 và đã chứng kiến cảnh Carter đích thân đục thủng một lỗ lớn ở cánh cửa dẫn vào hầm mộ Tutankhamun (lúc này vẫn bị niêm phong kín). Carter nghiêng người lách vào cái lỗ, một tay cầm nến, để nhìn ngó bên trong. Bên ngoài, Carnarvon sốt ruột hỏi: “Anh có thấy gì không?”. “Có chứ, toàn những thứ kì diệu” - Carter trả lời.
Không chỉ Carter, cũng không chỉ Bá tước Carnarvon, mà tất cả 22 người liên quan tới cuộc tìm kiếm lúc mở cánh cửa vào lăng mộ là sự kiện trọng đại trong đời của họ. Dường như chẳng ai còn quan tâm tới một lời nguyền khắc trên tấm đá đặt trong mộ, mà sau này có tin đồn chính Carter nhìn thấy nhưng đã giấu đi để các công nhân dưới quyền ông không hoảng sợ.
Lăng mộ của Tutankhamun vẫn còn nguyên và chứa cả một kho báu tuyệt vời, gồm một chiếc quách đá lớn, trong có 3 chiếc quan tài chứa đầy vàng cùng chiếc quan tài đặt xác ướp của Pharaoh Tutankhamun.
Cũng từ ấy những điều khủng khiếp đã xảy ra: Chỉ vài tháng sau khi cửa lăng mộ được mở, Bá tước Carnarvon, bị chết tức tưởi ở tuổi 57, nguyên nhân có vẻ như Bá tước bị nhiễm trùng từ một vết cắn của côn trùng.
Chưa hết, theo lời kể của người dân địa phương thì đúng lúc ông chết, cả thành phố Cairo bỗng dưng điện vụt tắt. Còn con trai Bá tước thì nói, ở quê nhà (nước Anh), con chó ông yêu mến nhất đã rú lên không ngừng rồi đột nhiên lăn ra chết. Kỳ lạ hơn nữa là, khi xác ướp Tutankhamun được tháo vải vào năm 1925, thì người ta tìm thấy trên xác ướp có một vết thương ở má phải, trùng khớp với vị trí mà Bá tước Carnarvon bị côn trùng cắn.
Không chỉ dừng lại ở cái chết bất thường của Bá tước Carnarvon, mà tiếp theo đó, kéo dài đến năm 1935, có tổng cộng 21 người chết “là nạn nhân đã được cảnh báo trong lời nguyền”. Trong số này có 2 người họ hàng của Bá tước Carnarvon; Thư ký riêng của Carter - ông Richard Bethell và cha đẻ của Bethell là ông Westbury.
Ông Westbury đã tự sát bằng cách nhảy cầu. Khi ra đi ông đã để lại một bức thư tuyệt mệnh, nói rằng: “Tôi không thể chịu đựng được những cơn ác mộng, bóng ma ám ảnh tôi hằng đêm. Tôi thấy mình không thể làm được điều gì tốt đẹp trên thế gian nữa, nên đã quyết định ra đi”.
Riêng Howard Carter - người tự tay mở cửa vào lăng mộ thì sống tới năm 64 tuổi mới qua đời, còn lại 21 người đều chết non hoặc thiệt mạng vì những nguyên nhân bất thường.
Vậy những bóng ma, cơn ác mộng mà Westbury đã nhắc tới cụ thể là gì? Báo chí đã theo dõi rất kỹ từng cái chết bí ẩn và đều cho rằng nguyên nhân là do “lời nguyền của xác ướp” hay “lời nguyền của Pharaoh”.
Nhưng có thực là lời nguyền ứng nghiệm, hay đây chỉ là sản phẩm của báo chí giật gân?
Đến nay, bên cạnh những nghi hoặc tin vào lời nguyền, nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng không có cơ sở để tin vào lời nguyền.
Các nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng nhiều lời đồn đại xung quanh lời nguyền đều không có cơ sở. Ngay cả cái chết của Bá tước Carnarvon cũng được giải thích bằng những nguyên nhân hết sức cụ thể. Theo sổ khám bệnh của Bá tước, trước khi mở niêm phong lăng mộ, sức khỏe của ông đã rất yếu. Việc bị nhiễm trùng, đặc biệt là vào thời điểm đó nhân loại chưa có thuốc kháng sinh, khiến ông bị chết cũng là điều bình thường.
Theo tiến sĩ Ezzeddin Taha ở Đại học Cairo, các công nhân tham gia cuộc khai quật của ông Carter có thể đã nhiễm loại nấm đen Aspergillus có nhiều trong lăng mộ Tutankhamun. Loại nấm này có thể gây sốt, ngứa rát và mỏi mệt.
Tiến sĩ Taha tin rằng loại nấm này sống được trong lăng mộ suốt hàng ngàn năm và chúng đã gây hại cho đoàn khảo cổ của Carter khi họ vô tình tiếp xúc với chúng.
Hà My