Đông Bắc Á đang đón những làn gió mới đầy lạc quan khi liên tục xuất hiện những tin tốt lành trong quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc, Nhật Bản và đặc biệt là Mỹ.

Bất chấp những vụ phóng các vật thể liên tiếp được cho là tên lửa của Triều Tiên trong thời gian qua, phản ứng của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ rất “bình tĩnh” và không khiến tình hình trở nên căng thẳng. Trong khi Hàn Quốc vẫn cố gắng duy trì liên hệ chặt chẽ với Triều Tiên và đẩy mạnh các hoạt động du lịch dọc khu phi quân sự ở biên giới hai miền thì Nhật Bản cũng “chìa cành ô-liu” hòa bình với Triều Tiên. Ngày 16-9, Thủ tướng Nhật Bản - Shinzo Abe một lần nữa khẳng định mong muốn tiến hành hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un “một cách vô điều kiện”.

Hơn cả mong đợi, Mỹ cũng “bật đèn xanh” cho một cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - Triều với những động thái không thể tốt hơn khi tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đang lâm vào bế tắc. Khi sa thải Cố vấn an ninh John Bolton - một nhân vật có tiếng là “diều hâu”, ngày 10-9, những bình luận của Tổng thống Mỹ - Donald Trump cũng lộ ra một thông tin quan trọng liên quan tới vấn đề Triều Tiên. Theo ông chủ Nhà Trắng, cách tiếp cận của ông Bolton trong xử lý vấn đề hạt nhân của Triều Tiên khiến tiến trình đàm phán bị đình trệ và đó là một trong những nguyên nhân khiến ông Bolton phải ra đi.

Quả thực, trong khi ông Trump mong muốn ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình với việc xử lý vấn đề hạt nhân Triều Tiên thì các cố vấn của ông cũng cần cố gắng hết sức để “được việc”. Ông Bolton thì khác, lại phản ứng ra mặt. Khi Tổng thống Mỹ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un ở khu vực phi quân sự ngày 30-6 vừa qua, chỉ một ngày sau tin nhắn trên Twitter của ông Trump, ông Bolton đã không có mặt trong sự kiện này mà bỏ đi Mông Cổ làm việc khác. Sau khi ông Bolton ra đi, Washington và Bình Nhưỡng lại nỗ lực chuẩn bị cho đàm phán cấp chuyên viên, hướng tới một cuộc họp thượng đỉnh mới.

Sẽ không có gió mới mát lành ùa vào nhà nếu chính Triều Tiên không mở cửa đón gió. Tin vui là cánh cửa hẹp đã mở khi những tuyên bố gần đây của Bình Nhưỡng cho thấy những thay đổi trong các điều kiện đàm phán phi hạt nhân với Washington. Giới phân tích cho rằng, Triều Tiên dường như đang củng cố vị thế đàm phán khi Vụ trưởng Vụ các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên nêu rõ chỉ có thể đàm phán về phi hạt nhân hóa "khi các mối đe dọa và những rào cản gây nguy hại an ninh chế độ cũng như ngăn cản sự phát triển" được loại trừ, hoặc ít nhất là trong tầm kiểm soát được (đại ý - NV)...

Như vậy, Triều Tiên không trực tiếp yêu cầu Mỹ phải nới lỏng hay bỏ những lệnh cấm vận kinh tế cụ thể mà đưa ra hai đề nghị mang tính bao quát hơn là bảo đảm an ninh cho chế độ và tạo điều kiện cho đất nước này phát triển. Với đề xuất mới này, các nhà đàm phán của hai bên có thể chuẩn bị được những nội dung tốt hơn cho lãnh đạo hai bên để tiến tới một thỏa thuận cụ thể.

Mỹ đã thay Cố vấn an ninh, chủ động đề nghị nối lại đàm phán. Triều Tiên cũng có những bước đi cụ thể cho một cuộc họp thượng đỉnh. Các nước láng giềng lâu nay bất đồng với Triều Tiên giờ cũng phát đi những tín hiệu hòa dịu. Làn gió lành đang thổi về Đông Bắc Á với nhiều tín hiệu lạc quan.

Ngọc Hưng