Nước Nga Xô-viết lâm vào tình hình cực kỳ khó khăn. Chính quyền Xô-viết chỉ kiểm soát được 1/4 lãnh thổ nước Nga Sa hoàng trước kia và mất đi những vùng lương thực, nguyên liệu, nhiên liệu quan trọng.
Trước những thách thức khốc liệt, Đảng Bôn-sê-vích và Nhà nước Xô-viết đã trả lời bằng những biện pháp kiên quyết và tập trung toàn bộ sức lực vào mục tiêu giữ vững Chính quyền Xô-viết. Ngày 28-1-1918, Lê-nin ký Sắc lệnh “Về tổ chức Hồng quân Công nông” và ngày 11-2, ký Sắc luật thành lập Hạm đội đỏ. Tháng 9-1918, nước Cộng hoà Xô-viết tuyên bố là một mặt trận quân sự thống nhất. Tháng 11-1918, Hội đồng Quốc phòng được thành lập do Lê-nin đứng đầu. Các Xô-viết ở vùng chiến sự và gần mặt trận đều phải phục tùng một cơ quan đặc biệt - Uỷ ban cách mạng. Chế độ nghĩa vụ quân sự thực hiện, thay cho chế độ tình nguyện được trước đây. Nhờ đó, đến tháng 9-1919 Hồng quân đã có 3,5 triệu chiến sĩ. Trong xây dựng lực lượng, Hồng quân đặc biệt coi trọng chất lượng chính trị, tính giai cấp và tính kỷ luật.
Từ mùa hè năm 1919, Chính quyền Xô-viết chuyển sang thực hiện Chính sách cộng sản thời chiến nhằm huy động tối đa mọi nguồn của cải phục vụ cho cuộc chiến đấu chống thù trong giặc ngoài. Nhà nước độc quyền lúa mì, thực hiện chế độ trưng thu lương thực thừa, thi hành chế độ lao động cưỡng bức đối với toàn dân theo nguyên tắc “Ai không làm thì không hưởng”, thực hiện trả lương bằng hiện vật...
Vừa chiến đấu vừa xây dựng, Hồng quân và nhân dân Nga Xô-viết vượt qua được những thử thách cực kỳ hiểm nghèo, từng bước đẩy lùi các cuộc tấn công của kẻ thù. Cuối năm 1918, Hồng quân đánh tan quân đoàn Tiệp Khắc và bọn Bạch vệ, đẩy lùi chúng về bên kia dãy U-ran. Ở mặt trận phía Nam, Hồng quân tiêu diệt quân đoàn Sông Đông của tướng Cra-xnốp. Tháng 7-1919, đẩy lùi quân Côn-sắc về tận Xi-bi-ri và đến cuối năm, Côn-sắc bị bắt và xử bắn ở Iếc-cút. Cuối tháng 10-1919, đội quân của Đê-ni-kin bị đánh bại, tàn quân tháo chạy xuống Crưm. Bọn can thiệp nước ngoài cũng bị đẩy lùi ở phía Bắc, phía Nam U-ran và Trung Á.
Đúng lúc này, được sự giúp đỡ của Mỹ, Anh, Pháp, ngày 25-4-1920, quân đội Ba Lan mở cuộc tấn công vào lãnh thổ U-crai-na; ngày 6-5 chiếm Ki-ép và phối hợp với quân Bạch vệ của Vran-ghen tiến công với mục tiêu chiếm Thủ đô Mát-xcơ-va. Một lần nữa, nước Cộng hòa Xô-viết non trẻ buộc phải dốc sức vào cuộc chiến đấu. Ngày 14-5-1920, Hồng quân bắt đầu phản công và đến giữa tháng 8, tiến gần tới Vác-xa-va. Ngày 12-10-1920, hai bên ký Hiệp định đình chiến; Ba Lan buộc phải rút quân khỏi các vùng đất từ lâu thuộc về U-crai-na và Bê-la-rút. Sau đó, Hồng quân tập trung lực lượng đánh tan Đội quân 6 vạn tên của Vran-ghen, chiếm được Crưm. Cũng trong năm 1920, chiến sự chấm dứt ở Trung Á; các nước cộng hòa A-déc-bai-gian, Tuốc-mê-ni-xtan, Ác-mê-ni-a và Gru-di-a được giải phóng. Cuộc nội chiến và can thiệp chấm dứt.
Qua 3 năm chiến đấu cự kì gian khổ và khốc liệt, giai cấp công nhân, nhân dân lao động và Hồng quân đã bảo vệ thắng lợi Nhà nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Chính quyền Xô-viết được giữ vững, nền độc lập và tự chủ của đất nước được khẳng định. Đó là thắng lợi có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, cổ vũ mạnh mẽ giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản thế giới.
Nguyên nhân có tính quyết định làm cho nước Nga Xô-viết đánh bại thù trong giặc ngoài là sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích do Lê-nin vĩ đại đứng đầu. Là người tổ chức và lãnh đạo cuộc chiến đấu, Đảng đã động viên và tổ chức giai cấp công nhân, nông dân lao động và nhân dân các dân tộc đứng lên đấu tranh với kẻ thù. Đảng có đường lối lãnh đạo đúng đắn, khai thác và phát huy cao nhất mọi sức mạnh, mọi nguồn lực của nhân dân và đất nước để giành chiến thắng. Sức mạnh của khối liên minh công nông, tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc Xô-viết, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm của Hồng quân, sự đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ của giai cấp công nhân quốc tế và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới là những nhân tố quan trọng, đã góp phần đưa tới thắng lợi vẻ vang của Chính quyền Xô-viết.
Đăng Song