Theo hãng tin AFP, Ngày 02/12, trong buổi họp báo công bố bản báo cáo kinh tế thường niên của Liên hợp quốc mang tên “Tình hình và viễn cảnh nền kinh tế thế giới năm 2010”, các chuyên gia kinh tế và nhà chức trách Liên hợp quốc đã thông báo: với tỷ lệ tăng trưởng 2,4% trong năm 2010, thế giới sẽ từng bước phục hồi đáng khích lệ, trong đó các nước châu Á sẽ là “động lực chính”.
Theo các kết luận và dự báo của Liên hợp quốc, trong năm tới, thế giới sẽ ghi nhận một sự phục hồi kinh tế, dù vẫn rất “mỏng manh” và chưa mấy bền vững song là thực tế. Tuy nhiên, “vẫn tồn tại không ít nguy cơ sẽ phải chứng kiến thế giới tiếp tục kéo dài trong một cuộc khủng hoảng mới; và cuối cùng, cần thiết phải tiến hành tấn công, ở mức độ chính trị, vào các bất bình đẳng cơ bản của nền kinh tế thế giới”, báo cáo nhấn mạnh.
Nghiên cứu cũng đồng thời nêu rõ tình hình phục hồi kinh tế thế giới trong năm 2010 sẽ ghi nhận hiện tượng chênh lệch lớn giữa các khu vực. Xét một cách tổng quát, năm 2010, các nước phát triển sẽ chỉ đạt được tỷ lệ tăng trưởng hạn chế. Tại Mỹ, tăng trưởng sẽ giảm từ 2,5% trong năm 2009 xuống còn 2,1% trong năm tới. Tương tự, tỷ lệ tăng trưởng cũng sẽ giảm từ 5,6% xuống 0,9% tại Nhật Bản và giảm từ 4,2% xuống 0,5% tại châu Âu. Tuy nhiên, đối với các nước đang phát triển, mặc dù phục hồi kinh tế sẽ vẫn ở dưới ngưỡng đạt được trước khủng hoảng song kết quả vẫn sẽ khả quan hơn. Báo cáo dự báo kết quả tăng trưởng 8,8% trong năm 2010 tại Trung Quốc, 6,5% tại Ấn Độ. Tại châu Phi, tỷ lệ này sẽ ở mức 4,3% trong năm 2010.
Ông Robert Vos, Giám đốc Vụ Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo về các nguy cơ bất trắc có thể xảy ra, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả tăng trưởng kinh tế thế giới; đồng thời kêu gọi áp dụng các biện pháp chính trị nhằm kích thích tăng trưởng, đặc biệt là tiến hành cải cách các chính sách kinh tế và hệ thống tài chính, hệ thống dự trữ tiền tệ quốc tế để giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la.
Chuyên gia kinh tế này cũng kêu gọi thiện chí phối hợp tốt hơn của cộng đồng quốc tế trong quá trình tiến hành các giải pháp quốc tế đối mặt với cuộc khủng hoảng; đồng thời gia tăng các khoản đầu tư vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo.

Cao Thuý