Theo đó, nhất trí chính phủ chuyển tiếp của Syria "có thể gồm các thành viên chính phủ đương nhiệm cũng như lực lượng đối lập và các nhóm khác sẽ được thành lập trên cơ sở đồng thuận chung". Với kết quả này, tuy không đề cập số phận của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng đây được cho là một "nhượng bộ" của phương Tây trước Nga và Trung Quốc nhằm tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria. Như vậy, bất cứ đảng nào ở Syria cũng sẽ được tham dự vào tiến trình chuyển tiếp. Các cường quốc chỉ đưa ra các nguyên tắc chỉ đạo nhằm hỗ trợ các bên ở Syria khi họ thúc đẩy tiến trình chuyển giao và thiết lập một chính phủ chuyển tiếp; còn tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad "sẽ phụ thuộc vào chính người dân Syria". Đây là một tiếp cận mới của các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Washington trong giải quyết cuộc xung đột kéo dài 16 tháng qua ở Syria. Bởi từ trước đến nay, tiếng nói chung của phương Tây luôn là Tổng thống Bashar al-Assad phải ra đi. Thậm chí, trước thềm hội nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland còn loan báo, tình trạng gia tăng bạo lực ở Syria là dấu hiệu cho thấy Tổng thống Bashar al-Assad đã đánh mất quyền kiểm soát trong nước. Cuộc vận động hành lang nhằm siết chặt cấm vận chính quyền Damascus vẫn đang được Anh, Pháp và Mỹ - Ba ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc - khẩn trương thực hiện. Theo đó, Washington đang thúc đẩy một nghị quyết gồm các biện pháp theo Chương 7 của Hiến chương Liên hợp quốc, tức là sẽ có những lệnh trừng phạt mới. Nếu thành hiện thực, một kịch bản tương tự như đã diễn ra ở Libya hay Ai Cập sẽ lặp lại. Do đó, sự đổi hướng khá đột ngột tại Geneva giữa hai lập trường quốc tế để đi đến một đồng thuận "tối thiểu" về Syria đã và đang làm dấy lên nghi hoặc về nỗ lực duy trì và lật đổ một chính thể vì lợi ích của các nước lớn. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa với Geneva cũng là một thành công của đặc phái viên chung Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab Kofi Annan về Syria ngay cả khi cuộc khủng hoảng tại quốc gia này đã bước vào những thời khắc nghiêm trọng nhất. Một cơ chế đã và đang được đặt ra là người dân Syria sẽ tự quyết định tương lai của chính mình. Đó là cơ chế chuyển đổi chế độ và không có sự áp đặt của thế lực bên ngoài. Nhưng thực hiện được điều đó không dễ. Bạo lực vẫn tái diễn nghiêm trọng tại quốc gia Trung Đông, phủ bóng đen lên nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Ngày 30-6, bạo lực đã diễn ra trên khắp lãnh thổ này khiến 83 người thiệt mạng. Vụ nghiêm trọng nhất là 30 dân thường đang tham dự một lễ tang ở thị trấn Zamalka (cách Damascus 10km về phía đông) đã thiệt mạng do bị nã đạn pháo. Đến nay, kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy chống chính quyền (hồi tháng 3-2011), xung đột, bạo lực ở quốc gia này đã cướp đi sinh mạng của hơn 15.800 người. Trong khi đó, từ bên ngoài, mọi áp lực đang không ngừng hướng đến Damascus. Ngày 29-6, quân đội Israel đã tăng cường hệ thống phòng thủ dọc biên giới với Syria với lý do để chuẩn bị đối phó với "khả năng xảy ra các cuộc tấn công của phiến quân từ cao nguyên Golan và làn sóng người tị nạn Syria một khi bạo lực tiếp tục lan rộng". Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã lần đầu tiên - sau vụ một tiêm kích F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ bị Syria bắn hạ do vi phạm không phận (ngày 22-6) - triển khai khí tài chiến tranh và tăng cường binh lực dọc biên giới với Syria... Sức ép cả về chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế và nay thêm cả quân sự đang không ngừng tăng với Damascus. Cuộc răn đe trên biên giới cùng các biện pháp cấm vận trên nhiều phương diện của Mỹ và đồng minh nhằm làm suy yếu chế độ của ông Bashar al-Assad vẫn tiếp diễn. Chưa có dấu hiệu thực tế nào cho thấy cuộc khủng hoảng tại Syria giảm nhiệt trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc tại vùng địa - chính trị xung yếu này. Và, những gì vừa đạt được tại Geneva xem ra vẫn chỉ là hy vọng mong manh của những người trong cuộc. Gia Bảo(TH)