Đó là: Chống đói nghèo, thiên tai, an ninh khu vực và quốc tế, chủ quyền của Ác-hen-ti-na đối với quần đảo Man-vi-nát (đang bị Anh chiếm giữ), cuộc chiến chống ma túy và việc không mời Cu-ba tham dự hội nghị... Hội nghị đã trở nên thực sự nóng bỏng khi tranh luận đến vấn đề không mời Cu-ba tham dự hội nghị và cuộc chiến chống ma túy ở khu vực. Đây cũng là hai vấn đề mà người đứng đầu nước Mỹ phải chịu sức ép nhiều nhất tại hội nghị. Những phát biểu gay gắt của các nhà lãnh đạo tại hội nghị về hai vấn đề này đã ảnh hưởng tới tuyên bố chung của hội nghị. Các ngoại trưởng của Ác-hen-ti-na, Vê-nê-xu-ê-la và U-ru-goay đã xác nhận rằng, do sự phủ quyết của Mỹ và Ca-na-đa đối với hai điểm trong dự thảo tuyên bố chung liên quan tới Cu-ba trong cuộc họp giữa các Ngoại trưởng, nên Hội nghị OAS lần này có thể sẽ không có tuyên bố chung. Liên quan đến việc tham dự hội nghị của Cu-ba, Oa-sinh-tơn cho rằng, Cu-ba chưa đủ tiêu chuẩn để tham dự hội nghị thượng đỉnh OAS do các vấn đề về dân chủ còn tồn tại ở quốc gia này. Tuy nhiên, lập luận đó đã vướng phải sự phản đối kịch liệt từ phía các nhà lãnh đạo các nước thành viên OAS. AFP dẫn lời Tổng thống nước chủ nhà Cô-lôm-bi-a, ông Ma-nu-en Xan-tốt (Manuel Santos) khẳng định, việc loại Cu-ba ra khỏi vòng đàm phán trong các hội nghị kế tiếp là “không thể chấp nhận”. Ông Xan-tốt cho rằng, những thay đổi tích cực hiện nay của La Ha-ba-na là điều không thể phủ nhận và cần phải nhận được sự ủng hộ tích cực hơn từ tất cả các nước khác trong khu vực. Việc Hội nghị thượng đỉnh OAS lần này chỉ có 32 trong tổng số 34 nhà lãnh đạo các nước thành viên tham dự một phần cũng liên quan đến vấn đề Cu-ba. Trong khi Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U-gô Cha-vết (Hugo Chavez) không thể có mặt vì đang trong quá trình điều trị ung thư tại Cu-ba, thì Tổng thống Ê-cu-a-đo R.Cô-rê-a (R.Correa) nhất định không tham dự để thể hiện sự ủng hộ đối với Cu-ba. Nhiều nước thành viên OAS cảnh báo rằng, họ sẽ tẩy chay các Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ trong tương lai nếu không có sự hiện diện của Cu-ba. Lãnh đạo các nước tham dự yêu cầu chính quyền Oa-sinh-tơn phải nhanh chóng chấm dứt lệnh cấm vận tài chính, thương mại và kinh tế đối với Cu-ba trong suốt 50 năm qua. Trước những phản ứng quá gay gắt của các nước tham dự, Tổng thống Ô-ba-ma buộc phải “lái” sang các vấn đề khác và chưa đưa ra ý kiến cuối cùng về việc để Cu-ba tham dự các hội nghị lần sau. Cu-ba từng là một trong số các quốc gia sáng lập OAS, song vì các lý do chính trị, Cu-ba đã bị khai trừ khỏi tổ chức này từ năm 1962. Năm 2009, OAS đã khôi phục tư cách thành viên của Cu-ba, song Cu-ba vẫn chưa thể tham gia OAS vì Mỹ cản trở, khi cho rằng Cu-ba không phải là một nền dân chủ theo Hiến chương OAS. Cuộc chiến chống ma túy tại khu vực châu Mỹ cũng là một vấn đề gây tranh cãi gay gắt tại Hội nghị. Tổng thống nước chủ nhà Xan-tốt khẳng định, nỗ lực hiện tại của các nước trong khu vực là chưa đủ để giải quyết tình trạng buôn bán ma túy và bạo lực ma túy tràn lan tại châu Mỹ. Ông Xan-tốt kêu gọi các nước thành viên tích cực tìm ra các biện pháp hữu hiệu hơn để chấm dứt tệ nạn này. “Hội nghị lần này không thể giải quyết dứt điểm vấn đề ma túy tại châu Mỹ. Tuy nhiên, đó có thể là điểm khởi đầu để chúng ta thảo luận các biện pháp cần thiết nhằm giải quyết vấn nạn đã tồn tại quá lâu trong khu vực”, ông Xan-tốt nói. Các đại biểu cũng chưa thể đi đến sự đồng thuận chung về việc hợp thức hóa vấn đề tiêu thụ ma túy đường phố. Mỹ là nước phản đối kịch liệt nhất đối với đề xuất này của Goa-tê-ma-la. “Chúng ta cần thảo luận các biện pháp hiệu quả để chấm dứt các loại tội phạm ma túy. Tuy nhiên việc hợp pháp hóa buôn bán ma túy không phải là một lựa chọn của chúng tôi”, Tổng thống Ô-ba-ma khẳng định. Phương Uyên (TH)