Hội thảo là một trong những diễn đàn uy tín để giới chuyên gia, học giả quốc tế trao đổi về những diễn biến mới nhất và phân tích các lựa chọn chính sách tại vùng biển này.
Hội thảo được tổ chức cùng ngày với sự kiện Tòa Trọng tài thường trực PCA có trụ sở tại La Hay ra phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển bên trong đường 9 đoạn tại Biển Đông.
Hội thảo Biển Đông năm nay được chia làm 4 phiên thảo luận chính gồm vấn đề pháp lý và các bước đi tiếp theo ở Biển Đông; tình hình Biển Đông trong năm 2016; quân sự hóa và xây dựng năng lực ở Biển Đông; và vấn đề môi trường của Biển Đông.
Trong bài phát biểu mở đầu cuộc hội thảo, Thượng nghị sỹ Dan Sullivan đã hoan nghênh phán quyết của PCA. Ông Sullivan nhận định phán quyết của PCA vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông.
Ông hối thúc Trung Quốc thể hiện là một bên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và tuân thủ phán quyết của tòa.
Nhiều chuyên gia cũng đưa ra quan điểm cho rằng tranh chấp hàng hải phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình và thông qua các cơ chế trọng tài quốc tế.
Ông Daniel Kritenbrink - Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ
"Washington ủng hộ các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao và hòa bình, như cơ chế trọng tài PCA, và Trung Quốc cần tuân thủ phán quyết này."
Bên cạnh đó, nhiều học giả một lần nữa khẳng định các hoạt động quân sự hóa thời gian qua đang làm thay đổi nguyên trạng và hủy hoại môi trường tại Biển Đông, hối thúc quốc tế sớm thành lập công viên hải dương để bảo vệ hệ sinh thái của vùng biển này.
Hội thảo năm nay được dư luận đặc biệt quan tâm vì sự kiện này diễn ra chỉ vài giờ đồng hồ sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết khẳng định yêu sách của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn."
Hội thảo Biển Đông thường niên do Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS tổ chức. Năm nay hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo nhất từ trước tới nay, với các chuyên gia đến từ Mỹ, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Australia và Malaysia.
Theo TTXVN