Giới cầm quyền Mỹ và NATO rơi vào thế lúng túng và khó xử. Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma phải có thư chính thức xin lỗi chính phủ và nhân dân Áp-ga-ni-xtan, đồng thời cử phái viên tới Ca-bun tìm cách làm nguôi cơn tức giận của người dân nước này.
Hành động đốt kinh thánh Hồi giáo và việc quân Mỹ hành hạ thi thể một số tay súng Ta-li-ban trước đó bị người Hồi giáo coi là cách hành xử tàn bạo và xấu xa không thể chấp nhận. Xem ra, những động thái của phương Tây nhằm tìm cách "cho qua" vụ này là chưa đủ và hậu quả của vụ việc này ngày thêm nghiêm trọng. Làn sóng đáp trả của chính giới và người dân Áp-ga-ni-xtan đang lan rộng khắp nước và đã lan sang nước láng giềng Pa-ki-xtan, một đồng minh của Mỹ. Trong những ngày qua, đã nổ ra xung đột và bạo lực làm hàng chục người chết và bị thương mỗi ngày. Nhiều căn cứ quân sự của Mỹ và NATO bị tiến công. Một binh sĩ Áp-ga-ni-xtan đã bắn chết hai binh sĩ phương Tây trước thanh thiên bạch nhật; bởi danh dự của những người Hồi giáo Áp-ga-ni-xtan đã bị xúc phạm sâu sắc và niềm tin tôn giáo bị xúc phạm quá mức. Ta-li-ban đã kêu gọi Áp-ga-ni-xtan cần phải dạy cho “những kẻ xâm lược” một bài học để không bao giờ dám xúc phạm đến kinh Cô-ran nữa.
Vụ việc là "giọt nước tràn ly". Nó phản ánh những bức xúc của người dân nước này sau hơn 10 năm từ khi Mỹ và phương Tây tiến đánh để lật đổ chế độ Ta-li-ban tại Áp-ga-ni-xtan và sau chừng đó thời gian an ninh vẫn chưa được khôi phục. Mạng lưới khủng bố An Kê-đa đã lan rộng không chỉ từ Áp-ga-ni-xtan sang nước láng giềng Pa-ki-xtan mà còn tới cả các nước Trung Đông, châu Phi và Đông Nam Á. Trên phương diện kinh tế, theo ước tính, Áp-ga-ni-xtan cần thêm khoảng 10 tỷ USD để hoàn thành quá trình xây dựng đất nước như đẩy mạnh khai thác mỏ và mở rộng xuất khẩu, quản lý tài chính và chống tham nhũng quốc gia. Trong khi đó, nơi đây đã và đang trở thành khu vực cung cấp ma túy của thế giới. Cũng theo Liên hợp quốc, từ năm 2005 đến 2009, số người nghiện hê-rô-in ở Áp-ga-ni-xtan đã tăng gấp 3 lần, lên 150.000 người, bên cạnh 230.000 người đang dùng thuốc phiện...
Rõ ràng, "bài toán" Áp-ga-ni-xtan đã quá nan giải không chỉ đối với chính quyền Ca-bun mà còn cả với giới chức phương Tây. Trong khi những bất đồng còn âm ỉ, vụ việc vừa diễn ra đã tạo nên hố sâu khó lấp đầy, nếu không được giải quyết triệt để, nó sẽ loang rộng, đẩy tình hình Áp-ga-ni-xtan ngày càng khó kiểm soát. Làn sóng biểu tình chống Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan được dự báo sẽ còn kéo dài trong những ngày tới và không loại trừ sẽ lại xuất hiện làn sóng đánh bom khủng bố nhằm vào các mục tiêu của Mỹ và phương Tây như vẫn thường thấy sau mỗi lần “xung đột văn hóa” giữa người Hồi giáo với phương Tây xảy ra trước đó.
Tuấn Minh