Tổng thống Nicolas Maduro vẫn được sự ủng hộ của Quân đội Venezuela.

Venezuela đang rơi vào thế khó do bất ổn định kinh tế và chính trị trong nước. Tình hình càng trở nên khó khăn hơn với quốc gia Nam Mỹ này khi Mỹ một mặt ủng hộ thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự phong là "Tổng thống lâm thời" và tăng cường bao vây cấm vận Caracas, mặt khác tìm cách đưa hàng cứu trợ để thể hiện vai trò dẫn dắt của mình.

Mỹ vốn coi các quốc gia Nam Mỹ là sân sau của mình, ý rằng sân sau đó phải là “sân nhà” của Mỹ và theo ý Mỹ. Từ thời của cố Tổng thống Hugo Chavez cùng phong trào cánh tả nổi lên ở Nam Mỹ, Mỹ đã cảm thấy bất ổn và tăng cường các biện pháp can thiệp vào Venezuela. Việc thủ lĩnh đối lập Juan Guaido tự phong mình làm “Tổng thống lâm thời” cũng không phải tự nhiên mà có được mà chắc chắn phải có sự hậu thuẫn ngầm từ bên ngoài. Dù Chính phủ nào ra mặt hay ngấm ngầm đứng sau ông Guaido thì họ cũng không muốn sự tồn tại của Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro và không muốn thấy có một Venezuela ổn định.

Để tiếp tục gây sức ép với Chính phủ của ông Nicolas Maduro, ngày 5-3, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã gia hạn thêm một năm tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia đối với tình hình chính trị tại Venezuela, bao gồm các lệnh trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Chính phủ nước Nam Mỹ. Trên thực tế, lệnh cấm vận này đã được áp dụng từ năm 2015 khi Tổng thống Mỹ - Barack Obama đang nắm quyền.

Siết chặt cấm vận nhưng Mỹ lại dùng bài cũ: “Viện trợ nhân đạo” để gây chia rẽ và can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela. Việc chuyển hàng viện trợ của Mỹ qua các nước láng giềng của Venezuela như Colombia hay Brazil chưa biết có thực sự giúp gì cho người dân Venezuela nhưng nó gây biến động và bất ổn an ninh lớn tại các khu vực biên giới. Ngày 8-3, Đặc phái viên Mỹ về Venezuela - Elliott Abrams khẳng định Mỹ sẽ không sử dụng vũ lực để chuyển viện trợ nhân đạo vào Venezuela. Ông nói vậy bởi từ cuối tháng 2, Chính phủ Venezuela đã ra lệnh đóng toàn bộ các cửa khẩu biên giới với Colombia và Brazil nhằm "đối phó với những mối đe dọa” đối với chủ quyền quốc gia, trong bối cảnh Mỹ và một số nước ở khu vực Mỹ Latinh cũng như phe đối lập trong nước tìm cách đưa hàng viện trợ vào lãnh thổ Venezuela bất chấp sự từ chối của Chính phủ nước này. Venezuela từ chối hàng viện trợ dù khó khăn bởi hàng viện trợ nhân đạo do Mỹ cung cấp là theo yêu cầu của thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido và việc viện trợ, theo Tổng thống Maduro, là một “màn kịch” nhằm can thiệp vào Venezuela và thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền hợp hiến.

Bao vây, cấm vận để gây bất ổn về kinh tế, Chính trị rồi kết hợp với bạo loạn, lật đổ, thay đổi chính phủ khác thực tế là chiêu bài “diễn biến hòa bình” đang diễn ra tại Venezuela, quốc gia không thân Mỹ và sở hữu trữ lượng dầu mỏ lớn. Những tưởng Caracas sẽ khó trụ vững trước các chiêu bài này khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng lạm phát cao, chính trị bất ổn với một “tổng thống lâm thời” tự phong và ngoại giao bị cô lập khi nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và các quốc gia châu Âu, ra mặt ủng hộ ông Guaido; nhưng sự trung thành của quân đội là chìa khóa chống lại sự can thiệp của nước ngoài. Các tướng lĩnh quân đội vẫn cam kết ủng hộ ông Maduro cho tới thời điểm này. Bộ Tổng tham mưu quân đội Venezuela đã đề ra một kế hoạch đặc biệt huy động quân số trực chiến, huy động các phương tiện và lực lượng dân quân Bolivar theo lệnh của Tổng thống Nicolas Maduro để sẵn sàng đối phó với các cuộc tấn công. Quân đội Venezuela khẳng định quyết tâm bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, cũng như khối đoàn kết quân đội trước những sức ép từ các thế lực trong và ngoài nước.

Như vậy, cho dù Mỹ hay một số quốc gia khác có dùng các chiêu bài “diễn biến hòa bình” hay hai mặt vừa đánh vừa xoa, Venezuela vẫn trụ vững nhờ sự trung thành với Tổng thống Maduro của quân đội nước này.

Ngọc Hưng