Trong khủng hoảng, chúng ta lại được thấy hai mặt của một “thế giới muôn màu”: Tự bảo vệ, hoặc chung tay vượt qua thách thức. Dù hai mặt này về bản chất là đều nhằm kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh nhưng thái độ và cách hành xử của mỗi nước lại khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Khi tâm điểm của dịch bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV) ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã cướp đi sinh mạng của gần 1.000 người thì các nước thể hiện rõ thái độ trước dịch bệnh này, nhất là ngay sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố và đưa ra khuyến cáo về một đại dịch. Có nước tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung Quốc, cấm công dân Trung Quốc nhập cảnh hoặc tập trung sơ tán công dân của mình về nước. Lại có nước thẳng thừng từ chối hỗ trợ vật tư y tế hay các đề nghị khác của Trung Quốc với lý do “chỉ đủ dùng cho nhu cầu trong nước”…

Không thể phê phán những cách làm trên bởi mỗi nước có các thể chế, quy định, tiềm lực và mức độ rủi ro riêng đối với bệnh dịch. Theo đó, mỗi khi có bệnh dịch, các quy chế sẽ được kích hoạt như một chiếc khiên để che chắn, bảo vệ cho lợi ích của riêng từng quốc gia. Thế nhưng, trước một đại dịch thì trong riêng có chung vì lợi ích của các nước đã gắn kết chặt hơn nhiều so với trước đây. Việc bảo vệ lợi ích của mình là điều phải thực hiện nhưng nếu không tính tới lợi ích của nước khác và cùng nhau đối diện với mối đe dọa chung của một dịch bệnh toàn cầu thì rốt cuộc lợi ích đơn lẻ của một quốc gia cũng khó lòng giữ được.

Thế nhưng, trong khó khăn, thế giới vẫn có không ít nước thể hiện rõ sự ủng hộ và cùng với Trung Quốc chống chọi với dịch bệnh. Nhật Bản là một ví dụ. Tuy Tokyo và Bắc Kinh còn bất đồng về nhiều vấn đề nhưng các khẩu hiệu “Vũ Hán cố lên” xuất hiện ở nhiều nơi tại Nhật Bản cũng như cam kết chính trị của Chính phủ Nhật Bản trong việc sẵn sàng làm hết sức có thể để đáp ứng các nhu cầu về y tế của Trung Quốc.

Một ví dụ nữa phải kể đến Việt Nam. Tuy cũng đang phải chịu tác động của nCoV trên mọi mặt của đời sống nhưng Việt Nam sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ Trung Quốc. Ngày 9-2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng đã trao cho Đại sứ Trung Quốc - Hùng Ba số vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD, là quà tặng của Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhấn mạnh: “Số trang thiết bị, vật tư y tế mà Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tặng Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc là các trang thiết bị, vật tư y tế tốt nhất mà Việt Nam đang có trong bối cảnh Việt Nam cũng đang có nhu cầu rất lớn đối với các trang thiết bị, vật tư y tế để chống lại ảnh hưởng của dịch bệnh. Chúng tôi mong rằng số vật tư này sẽ góp phần động viên và hỗ trợ nhân dân Trung Quốc vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay”.

Dân gian có câu Người bạn khi cần là người bạn thực sự. Trong khó khăn, bên cạnh việc bảo vệ chính mình thì việc sẻ chia, hỗ trợ là điều cần thiết hơn. Giúp Trung Quốc vượt qua dịch bệnh cũng chính là giúp toàn thế giới hạn chế ảnh hưởng của nCoV với mọi mặt của cuộc sống.

Ngọc Hưng