Tổng Bí thư đang rất được dân tin yêu và ủng hộ. Tuy nhiên, cuộc chiến chống giặc nội xâm này vẫn còn nhiều cam go. Nhất là với những thế lực hắc ám, có sự cấu kết rất chặt chẽ bởi lợi ích nhóm, mà “dân thì xa, còn nhóm lợi ích lại gần - gần mà lại đông, tầng tầng lớp lớp”, nên Tổng Bí thư và các cộng sự cũng còn lắm gian truân - phải xác định là cuộc chiến giữa tích cực và tiêu cực; giữa kẻ phá hoại đất nước với “người” xây dựng đất nước. Mà “phía bên kia” lại từng là đồng chí, đồng đội của mình…
Điều này dân rất hiểu. Chả thế mà nhà thơ Vũ Quần Phương đã được chứng kiến vào một ngày áp Tết vừa rồi, khi nhà thơ đưa các cháu ông, là những công dân Việt Nam nhưng sinh sống ở nước ngoài đi lễ chùa. Vào chùa lễ, ông ngạc nhiên khi thấy rất nhiều người dân không hề cầu gì cho bản thân mình, mà chỉ xin Trời Phật Thánh Thần “phù hộ, độ trì cho bác Nguyễn Phú Trọng, để bác ấy được an toàn tấm thân và có sức khoẻ cùng dân chống lại lũ giặc nội xâm đang làm nghèo đất nước…”.
Mừng nhất là cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đã bước sang giai đoạn “chữa” từ nguyên nhân dẫn đến tham nhũng để chống tham nhũng. Điển hình là Nghị quyết T.Ư 7 đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác cán bộ và đề ra giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, chú trọng cán bộ cấp chiến lược, như “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền…”.
Xây dựng, hoàn thiện thể chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Huỷ bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ…
Đây là lần đầu tiên trong Nghị quyết của Đảng dùng những từ ngữ chỉ rõ “góc khuất” trong công tác cán bộ và đề ra những giải pháp rất cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, để đất nước và xã hội phát triển bền vững thì đồng thời với đội ngũ cán bộ có “tâm”, có “tầm”, còn đòi hỏi “bộ máy” vận hành hợp quy luật.
Bộ máy vận hành hợp quy luật có khả năng tự bảo vệ, ví như máy tính cài đặt hệ thống diệt virus tự động. Bộ máy của hệ thống chính trị tốt cũng là sự đảm bảo cho các cá nhân tốt - có thể xem như là các mắt xích của nó - có được lợi thế và phát huy tối đa năng lực cũng như các yếu tố lành mạnh. Đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các cá nhân có tâm, có tài cống hiến cho đất nước.
Một hệ thống không tốt thì ngược lại. Đáng tiếc là với các “lỗi trong hệ thống” mà công luận nhắc đến lâu nay đã dẫn đến những hậu quả như chúng ta đã thấy qua một loạt các vụ trọng án vừa xét xử; hay như “12 dự án nghìn tỷ đắp chiếu” là lỗi của hệ thống quản lý kinh tế dẫn đến không kiểm soát được; “lọt” người xấu vào cơ quan cao nhất của Đảng, là lỗi của hệ thống công tác tổ chức, cán bộ...
Chúng ta đã đổi mới rất nhiều, nhưng đổi mới để đạt được một hệ thống chính trị vận hành tốt, vẫn là cái đích còn khá xa.
Trong hệ thống chính trị bị lỗi, các cá nhân dù xuất sắc cũng khó có thể xoay chuyển thế cục, ví dụ tình trạng tham nhũng tràn lan và quyền lực không được kiểm soát như thời gian qua, chính là lỗi ở “mắt xích tổ chức” trong hệ thống chính trị. Đảng ta, nhân dân ta rất mong Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư tìm ra giải pháp vượt qua những khó khăn đã tích tụ từ lâu nay để hệ thống được vận hành trơn tru. Trong đó vai trò cá nhân, vai trò “thủ lĩnh” - người đứng đầu là rất quan trọng, nếu như không muốn nói là quyết định.
Đúng như trong bài “Tư duy kinh tế Việt Nam”, cố GS. Đặng Phong đã viết: “Sự thịnh suy của một quốc gia lệ thuộc rất nhiều vào bộ máy lãnh đạo và đặc biệt là những người lãnh đạo. Xưa nay, trong lịch sử mọi quốc gia, không có thời đại nào được gọi là thịnh trị mà lại không phải là thời đại có một vị minh quân. Ngược lại, không có một thời đại nào suy đồi mà lại không liên quan tới một vị hôn quân, một bộ máy nhà nước hủ bại”.
Chúng ta hoàn toàn tin tưởng Đảng ta sẽ đổi mới, không ngừng đổi mới toàn diện để “Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu trước lúc Người đi xa.
Trần Đăng Khoa