Trung tá Đinh Hữu Thuần, Đại đức Thích Chánh Tuệ nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 2015.

Tối ngày 21-12-2022 diễn ra Chương trình nghệ thuật “Vang mãi bản hùng ca bầu trời” do Báo Quân đội nhân dân (QĐND) phối hợp với một số đơn vị tổ chức tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô. Sau chương trình nghệ thuật chào mừng QĐND Việt Nam 78 năm xây dựng, chiến đấu và 50 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, Ban Tổ chức chương trình tặng hoa, tri ân các Anh hùng trực tiếp chiến đấu, đóng góp xứng đáng vào kỳ tích Hà Nội hạ nhục “Pháo đài bay” B.52, trong 12 ngày đêm cuối tháng 12-1972. Đông đảo khán thính giả tối hôm đó vô cùng xúc động chứng kiến cùng với nhiều tướng lĩnh Anh hùng được tặng hoa, tri ân có một Đại đức khoác áo cà sa! Người gây xúc động, ấn tượng mạnh đó là Trung tá, Anh hùng LLVTND Đinh Hữu Thuần - Đại đức Thích Chánh Tuệ

Vạch nhiễu tìm thù, lấy đầu mình đảm bảo B.52 đánh Hà Nội

Đinh Hữu Thuần sinh năm 1942 tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương; nhập ngũ năm 1960 và trưởng thành trong đội hình Trung đoàn 291 ra đa, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Từ đầu tháng 11-1972, trên cương vị Đại đội trưởng Đại đội 45 ra đa, Đinh Hữu Thuần đã chỉ huy đơn vị triển khai đội hình chiến đấu tại trận địa Đồi Si, Đô Lương, Nghệ An. Đại đội của ông có nhiệm vụ cảnh giới vùng trời phía tây Nghệ An để phát hiện B.52 từ xa. Đêm 22-11, ông trực tiếp chỉ huy Đại đội phát hiện B.52 và báo cho Trung đoàn tên lửa 263 bắn rơi 1 B.52 tại Khu 4.

Đêm 18-12-1972, Đại đội 45 có phiên mở máy ra đa, trực từ 18 giờ đến 20 giờ. Lúc 19 giờ 21 phút, trắc thủ Kiều Văn Tiết phát hiện có hiện tượng bất thường, màn hình ra đa có nhiễu tích cực rất mạnh. Với kinh nghiệm đúc kết từ những lần đánh B.52 ở Khu 4 vừa rồi, Đinh Hữu Thuần cho mở máy ra đa P-35, báo cho chỉ huy đơn vị vào cấp báo động cao nhất, rồi lập tức báo cho Trung đoàn trưởng rằng Đại đội 45 phát hiện B.52 hoạt động. Sau đó, ông tập trung cao độ, không rời mắt khỏi các tín hiệu. Lúc này, Đài trưởng Nghiêm Đình Tích báo cáo: “Trên các màn hình hiện sóng nhiễu quá nặng, hai trắc thủ không thể nào xác định được tín hiệu mục tiêu”.

Dựa vào kinh nghiệm, Đinh Hữu Thuần hướng dẫn chiến sĩ tiêu đồ đánh dấu trên bản đồ vị trí của B.52 và lệnh cho phát thanh viên báo cáo Trung đoàn trưởng Trung đoàn 291 Đỗ Văn Năm, kèm theo phát tiếng B.52 đánh bom Hà Nội.

Sau những giây phút hết sức căng thẳng, Tham mưu phó Binh chủng Ra đa Hứa Mạnh Tài trực tiếp gọi điện cho Đinh Hữu Thuần hỏi: “…Anh lấy gì làm căn cứ mà dám báo B.52 đánh vào Hà Nội?”.

Không do dự, Đinh Hữu Thuần trả lời: “Tôi xin lấy tính mạng của mình để đảm bảo với Tổ quốc, chịu trách nhiệm trước pháp luật; chính xác máy bay B.52 đang bay vào đánh Hà Nội”.

Sau điện hỏi của đồng chí Hứa Mạnh Tài chừng 2 phút, một thủ trưởng cấp trên tiếp tục gọi chất vấn Đinh Hữu Thuần cũng câu hỏi như Tham mưu phó Binh chủng, nhưng với dọng dứt khoát, gay gắt hơn.

Biết tình hình lúc này đã quá nguy cấp, nên Đinh Hữu Thuần trả lời ngay: Tôi xin lấy đầu tôi ra để đảm bảo chính xác B.52 ném bom Hà Nội và tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Sau đó ít phút, 9 tốp máy bay B.52, mỗi tốp 3 chiếc núp trong những dải nhiễu nặng bay vào Hà Nội, tự tin rằng đã qua mặt ra đa của ta. Nhưng kẻ địch đã nhầm! Các chiến sĩ ra đa Đại đội 45 với đôi “mắt thần” và trí thông minh đã “vạch nhiễu” buộc chúng hiện nguyên hình. Khi phát hiện tốp B.52 đầu tiên cách Hà Nội 350km, Đinh Hữu Thuần đã khẳng định chính xác B.52 sẽ vào đánh Hà Nội sớm hơn 35 phút. Tiếp đó, khi tốp B.52 đầu tiên vào đến vùng trời Hòa Bình, đài ra đa P.35 của Đại đội 45 báo cáo kịp thời để trận địa tên lửa của ta tại Hòa Bình rời bệ phóng, tạo thành lưới lửa cản phá B.52 tấn công Thủ đô. Kể từ giây phút đó, cả Hà Nội hoàn toàn không bị bất ngờ, chủ động đương đầu và hạ nhục uy thế của “pháo đài bay”.

Sau những giây phút chờ đợi căng thẳng đầy lo lắng, Đinh Hữu Thuần nhận điện báo của Trung đoàn trưởng Đỗ Văn Năm: Tin báo B.52 vào đánh Hà Nội của Đại đội 45 rất chính xác, giúp các đơn vị tên lửa chủ động đánh thắng. Trong trận đầu, tên lửa của ta đã bắn rơi 3 chiếc B.52, trong đó có 1 chiếc rơi gần cầu Đuống.

Cứ như thế, trong suốt 12 ngày đêm chiến dịch, Đại đội ra đa 45 tại trận địa Đồi Si, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Đinh Hữu Thuần và các trắc thủ lão luyện, như Đài trưởng Nghiêm Đình Tích (sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND) tiếp tục “vạch nhiễu tìm thù” thông báo kịp thời, chính xác cho cấp trên chủ động chỉ huy các lực lượng đánh thắng B.52, làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

Anh hùng về với cõi thiền

Tháng 12-1989, Trung tá Đinh Hữu Thuần “gác súng, treo gươm” nghỉ chế độ. Từ đó, cũng như bao CCB khác, đồng lương hưu ít ỏi không đủ nuôi sống bản thân và gia đình, nên ông và vợ mình đã bươn trải, buôn bán ngược xuôi để nuôi ba người con ăn học. Nhưng trước cuộc sống đầy tranh đua, lấn chen, Đinh Hữu Thuần thấy có gì đó bất an. Nói về sự “bất an” của ông lúc đó, bất chợt tôi nghĩ tới tâm trạng của chí sĩ, nhà thơ Đào Tấn thuở nào: “Lao xao sóng vỗ nghìn trùng/ Gian nan là nợ anh hùng trả vay…”.

Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, Nhà nước, Quân đội giao và sau 15 năm bươn trải nuôi con, đến ngày con cái khôn lớn, trưởng thành, năm 2006 Đinh Hữu Thuần quyết định xuất gia, về với cõi thiền. Với Pháp danh Chánh Tuệ, ông tu theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.

Mặc dù đã nương náu cửa Phật ngót 10 năm, nhưng với chiến công đặc biệt xuất sắc, góp phần làm nên “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, ngày 10-8-2015, Đinh Hữu Thuần - Đại đức Thích Chánh Tuệ vẫn được Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng LLVTND. Hình ảnh một Trung tá, CCB trong bộ quân phục chỉnh tề, nhưng đầu đã xuống tóc về Thiền, được Tư lệnh Quân chủng PK-KQ gắn Huy hiệu Anh hùng trong Lễ đón nhận danh hiệu cao quý đó, đã làm bao người vừa cảm phục, vừa xúc động, trăn trở, man mác nỗi buồn…!

Nhiều phật tử có điều kiện tiếp xúc với Đại đức Thích Chánh Tuệ tại Thiền viện Trúc Lâm Đại Giác (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Đại đức là người rộng lượng, bao dung, chan hòa, khiêm nhường; đã cùng các tăng ni tại đây tham gia hướng dẫn phật tử tu học Phật pháp, khuyến khích các phật tử đề cao tinh thần tu tập, đem giáo pháp hòa nhập vào cuộc sống.

Năm nay đã 82 tuổi, nhưng Đại đức vẫn chăm lo việc đạo, việc đời; thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, bảo vệ môi trường… của Thiền viện Đại Giác. Đặc biệt với trẻ em nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng còn nhiều khó khăn, Đại đức đã cùng Thiền viện vận động, hỗ trợ đồ dùng học tập, quần áo… để các em không vì nghèo mà thất học.

Anh hùng Đinh Đức Thuần - Đại đức Thích Chánh Tuệ là gương mẫu mực sống “Tốt đời - Đẹp đạo”.

Duy Nguyễn