Một người phụ nữ đeo khẩu trang ở Milan. Tính đến ngày 22-3, gần 5.000 người Italy đã thiệt mạng bởi Covid-19.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 22-3 đã phải phát đi thông điệp gây sốc nhân Ngày của mẹ: “Đừng thăm người thân!”. Đó là thực tế của Anh, nước đã rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 31-1-2020 trước ảnh hưởng nặng nền của đại dịch Covid-19 đang lan tràn. Virus Covid-19 - kẻ thù vô hình của cả thế giới hiện nay - không chỉ chia rẽ các gia đình ở Anh trong những ngày gặp mặt truyền thống, nó còn đe dọa tới tương lai của EU, một liên minh vốn được cả thế giới nhìn vào như một hình mẫu để noi theo.
Trước khi xảy ra đại dịch Covid-19, EU là một khối có hệ thống pháp luật, kinh tế, chính trị… gắn kết 27 quốc gia thành viên. Một EU với nhiều quốc gia có trình độ phát triển kinh tế cao và biên giới mở giữa các nước thành viên là biểu tượng của thống nhất, tự do và phát triển. Thế nhưng, Covid-19 đã giúp chính EU và thế giới nhìn rõ lỗ hổng của EU khi liên minh không những không chứng tỏ được sự đoàn kết, giúp đỡ nhau hay hỗ trợ cả khối vượt qua đại dịch. Italy là một ví dụ.
Italy đã chính thức trở thành quốc gia đứng đầu “danh sách tử thần” về số ca tử vong vì tới ngày 22-3 Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của 4.825 người ở nước này. Mới một tháng trước, Italy chỉ ghi nhận vài ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng giờ đây không thể tưởng tượng nước này lại trở thành tâm dịch của thế giới với tổng cộng hơn 53.500 ca dương tính.
Việc để dịch lây lan với tốc độ nhanh chóng như vậy rõ ràng có trách nhiệm lớn của Chính phủ và người dân Italy. Để sửa sai, Chính phủ Italy đã áp dụng những biện pháp mạnh tay và toàn diện hơn, kể cả các động thái hỗ trợ nền kinh tế, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Covid-19. Tuy vậy, trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh mà Italy và nhiều nước châu Âu đang đối mặt, vai trò của EU lại rất mờ nhạt khiến những người bi quan cho rằng “giấc mơ châu Âu” đang dần tan biến vì EU chậm chạp đến mức “vô hình như virus” trong cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ khi khối được thành lập.
Nhiều người Italy chỉ trích EU đã không hề có động thái gì khi các nguồn tin báo chí cho biết Đức và Pháp hạn chế việc xuất khẩu các thiết bị y tế, chẳng hạn như khẩu trang và găng tay. Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen, cũng chỉ dừng lại ở những tuyên bố về đoàn kết đối với Italy trong cuộc chiến chống dịch bệnh mà không có bất kỳ cam kết cụ thể nào. Việc Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) mới đây công bố chương trình khẩn cấp trị giá 750 tỷ euro, theo đó tiếp tục mua lại trái phiếu của các chính phủ và doanh nghiệp trong EU ít nhất cho đến cuối năm nay là điều đáng mừng. Tuy nhiên, phát biểu thiếu khéo léo trước đó của Chủ tịch ECB - bà Christine Lagarde về việc ECB không có chức năng và nhiệm vụ giải quyết mức “chênh lệch” lãi suất trái phiếu chính phủ giữa các nước, đã vấp phải nhiều chỉ trích. Trước tình cảnh này, rõ ràng Italy trở nên rất đơn độc trong một thể chế mà nước này là quốc gia đồng sáng lập. Khủng hoảng dịch bệnh hy vọng rồi cũng qua đi, nhưng khủng hoảng lòng tin về vai trò của EU là thách thức lớn nhất mà EU đang phải đối mặt.
Đó mới chỉ là một EU qua lăng kính Italy. Nhiều quốc gia khác trong khối cũng trong cảnh mạnh ai nấy làm trước đại dịch. Trong tuần này, Hội nghị Ngoại trưởng châu Âu, Hội nghị Hội đồng chung của EU và Hội nghị Thượng đỉnh EU qua cầu truyền hình sẽ được tổ chức. Nếu EU không quyết đoán và thống nhất trong hành động, Covid-19 - kẻ thù vô hình - có thể sẽ khiến EU gục ngã.
Ngọc Hưng