Đã đến lúc cần mạnh tay làm sạch môi trường Internet.
Internet là phát minh mang tính đột phá, tạo điều kiện cho sự phát triển và kết nối tốt hơn trong xã hội. Cùng với sự phát triển của công nghệ, các nền tảng mạng xã hội cũng đua nhau “nở rộ”. Thế nhưng, cái gì cũng có mặt trái của nó. Rất nhiều người lợi dụng mạng xã hội để đưa ra những bình luận mang tính thù hằn, xúi giục phạm tội, phân biệt chủng tộc… Đối mặt với thực trạng này, nhiều quốc gia đã nhanh chóng có các chế tài mạnh để chế áp.
Đức là quốc gia có những hành động cụ thể nhất để dọn dẹp môi trường mạng. Ngày 6-6, cảnh sát nước này đã được triển khai ở hơn 10 bang trên cả nước trong một chiến dịch bắt giữ những đối tượng đưa ra những bình luận mang tính thù hằn trên mạng Internet. Theo Cơ quan Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức (BKA), trong 38 vụ việc riêng rẽ, cảnh sát đã tiến hành khám xét nhiều căn hộ và thẩm vấn nhiều đối tượng tình nghi. Những đối tượng này bị cáo buộc đăng tải những bình luận mang nội dung thù hằn lên mạng xã hội, như xúi giục hành vi phạm tội, lăng mạ các quan chức hoặc có những phát ngôn bài Do Thái, những hành động bị coi là bất hợp pháp ở Đức với mức án có thể lên tới 5 năm tù giam.
Sở dĩ cảnh sát Đức triển khai chiến dịch một cách đồng loạt và trên phạm vi rộng như vậy bởi Internet tuy được coi là thế giới ảo nhưng nó đã gây chết người thật. Trước đó, một quan chức địa phương có quan điểm ủng hộ người tị nạn đã bị thiệt mạng và vụ việc trở thành tâm điểm trên các trang mạng xã hội với hàng loạt bình luận mang tính thù hằn từ những phần tử cánh hữu. Những lời bình luận xấu đến mức Tổng thống Đức - Frank-Walter Steinmeier phải lớn tiếng chỉ trích là "tồi tệ và kinh khủng".
Không phải quốc gia nào cũng làm được như Đức để đối phó với những phát ngôn thù hằn trên Internet. Đức làm được vì nước này đã có sẵn luật. Việc nhạo báng người quá cố ở Đức với ngôn từ nặng nề và ác ý bị coi là hành vi vi phạm pháp luật và người vi phạm có thể phải chịu mức án lên tới 2 năm tù giam.
Các công cụ luật pháp của các quốc gia đủ mạnh để làm sạch môi trường mạng là điều cần thiết trong thời điểm này. Các chế tài được áp dụng với từng cá nhân khi họ sử dụng Internet và cũng cần áp dụng triệt để với các công ty cung cấp các nền tảng mạng xã hội, buộc họ phải có trách nhiệm hơn với người sử dụng hay dịch vụ mình cung cấp. Điều may mắn là các gã khổng lồ như Facebook, Google hay YouTube đã ý thức được điều này và bắt đầu hành động.
Sau vụ việc ở Đức, Facebook đã cam kết sẽ gỡ bỏ những nội dung thù hận và cổ xúy hành vi bạo lực trên tảng này. Song hành cùng Facebook, YouTube ngày 5-6 thông báo sẽ cấm các video tuyên truyền hoặc cổ xúy nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử, cũng như các sự kiện bạo lực như tàn sát người Do Thái hoặc vụ xả súng tại Trường tiểu học Sandy Hook ở T.P Newton, thuộc bang Connecticut, Mỹ năm 2012, khiến 26 người thiệt mạng.
Thông báo của nền tảng chia sẻ video này là một trong những động thái mới nhất của ngành công nghệ nhằm loại bỏ những nội dung thù hằn và bạo lực. Tuyên bố của YouTube nêu rõ nền tảng này đã luôn duy trì chính sách chống lại các phát ngôn thù hằn. Đây là bước đi nữa của YouTube trong việc cấm các video thể hiện sự phân biệt đối xử, ly khai hay bài trừ dựa trên các tiêu chí như tuổi tác, giới tính, chủng tộc, tầng lớp, tôn giáo...
Công nghệ vẫn tiếp tục phát triển và tiếp tục mang lại những lợi ích cũng như những mặt trái của nó. Bên cạnh việc các quốc gia có các chế tài đủ mạnh để làm sạch môi trường mạng cũng rất cần các công ty công nghệ ý thức hơn trong việc duy trì một môi trường mạng lành mạnh bằng các công cụ kỹ thuật của mình.
Ngọc Hưng