Các chuyên gia của IAEA đã đến Iran đầu tuần này trong bối cảnh căng thẳng giữa Tehran với các nước phương tây quanh chương trình hạt nhân. Họ yêu cầu được tới căn cứ quân sự Parchin, cách Tehran 30 km về phía đông nam, nơi bị nghi ngờ là đang chẩn bị cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên các chuyên gia kể lại rằng Tehran bác bỏ đề nghị.
Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano nói: "Thật đáng thất vọng khi Iran không đồng ý yêu cầu tham quan Parchin của chúng tôi trong cả hai chuyến đi. Chúng tôi tới Iran với tinh thần xây dựng, nhưng đã không một thỏa thuận nào được thực thi".
Đây là chuyến đi tới Iran thứ hai trong chưa đầy một tháng của IAEA. Theo tổ chức này, chuyến đi nhằm mục đích làm rõ tất cả "vấn đề nổi bật" xung quanh chương trình hạt nhân Tehran, đặc biệt là những gì bị cho là "nhằm mục đích quân sự".
Tuy nhiên đặc phái viên Iran tại IAEA, Ali Asghar Soltanieh, các cuộc làm việc của phái đoàn với Tehran đã diễn ra trong sự "hợp tác và hiểu biết lẫn nhau".
Ngoài mục đích tham quan các cơ sở hạt nhân Iran, chuyến đi này cũng được xem như một khởi đầu quan trọng để tiến tới việc nối lại vòng đàm phán giữa Tehran và nhóm P5+1, bao gồm các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Đức. Chương trình này đã bị tạm dừng 13 tháng trước.
Một báo cáo của IAEA vào tháng 11 cho biết Iran đang thực hiện các hoạt động "liên quan tới việc sản xuất" vũ khí hạt nhân. Tehran đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc này, đồng thời nói báo cáo này dựa trên những tài liệu giả mạo.
Từ khi bản báo cáo nói trên được công khai, Mỹ và Liên minh châu Âu đã đẩy nhanh các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ - xương sống của nền kinh tế Iran. Iran đáp trả bằng cách đe dọa phong tỏa eo biển Hormuz và cắt nguồn dầu lửa sang hai nước châu Âu là Pháp và Anh.
Quỳnh Anh (TH)