Câu “cười người hôm trước, hôm sau người cười” lại được dư luận nhắc lại giữa lúc cả thế giới đang nỗ lực chống dịch Covid-19.

Chuyện là, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, làn sóng tẩy chay người gốc Hoa bùng lên ở Italy. Du khách đến từ quốc gia châu Á này bị xa lánh, lăng mạ, thậm chí bạo hành ở Italy. Những nhà hàng Trung Quốc ở đây cũng trở nên vắng khách vì nỗi sợ Covid-19. Italy cũng là quốc gia duy nhất ở châu Âu cấm toàn bộ chuyến bay thẳng từ Trung Quốc.

Đấy là khi dịch mới bắt đầu nhưng giờ khi chính Italy là tâm điểm của Covid-19 ở châu Âu thì mọi chuyện lại khác. Italy chính thức trở thành ổ dịch Covid-19 lớn thứ ba thế giới, với hơn 1.100 ca nhiễm và 29 trường hợp tử vong, khiến người Italy ở nước ngoài lập tức trở thành đối tượng bị xa lánh thậm chí hắt hủi. Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm du khách đến từ Italy. Trong khi một số quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, yêu cầu cách ly 14 ngày đối với những người từng ở Italy thời gian gần đây.

Các quốc gia, các cá nhân được quyền thực hiện các biện pháp để bảo đảm an toàn cho mình trong ứng phó dịch bệnh. Các biện pháp khoa học và phổ biến là việc làm cần thiết nhưng việc tẩy chay, lăng mạ hay bạo hành là những hành vi đáng bị lên án. Thấy người trong hoạn này thì cần có có biện pháp trợ giúp thay vì “cười người hôm trước” để rồi “hôm sau người cười”.

Nam Long